Hôm nay 122
Hôm qua 113
Tuần này 568
Tháng này 3681
Tất cả 14037



Danh Y Trung Quốc

Vương Thúc Hoà

Vương Thúc Hoà

VƯƠNG THÚC HÒA

Nhà mạch học vĩ đại

Thiết mạch (tức là bắt mạch) là một trong những phương pháp chủ yếu chẩn đoán bệnh của y học Trung Quốc, áp dụng phương pháp này cũng là Trung Quốc có trước (điều này cùng với phát hiện máu tuần hoàn có quan hệ với nhau). Phát kiến bắt mạch trễ nhất có thể bắt đầu từ thời nhà Chu. Trong bộ sách cổ “Chu Lễ” có đoạn ghi chép bắt mạch có thể quan sát được diễn biến của bệnh trong nội tạng. Lúc đầu bắt mạch thường bắt ở ba vùng cổ, tay, chân, vì ba vùng đó thịt không nhiều, động mạch nằm dưới lớp da dễ chẩn đoán bệnh hơn. Người thời bây giờ gọi chung là “Tam bộ mạch phép”. Các nhà y học cổ đặc biệt gia công nghiên cứu về phép bắt mạch, người có công đầu đáng kể nhất là Vương Thúc Hòa.

Vương Thúc Hòa, họ Vương Thúc, tên là Hòa, ông sinh ra tại làng Huyện Cao Bình, tỉnh Sơn Tây, tháng năm sinh tử của ông có thể khoảng giữa năm thứ 15 thời Kiến An Đông Hán đến năm đầu Thái Khang (năm 210-280). Ông từng đảm trách Thái Y lệnh (tức Viện trưởng tối cao Viện Quốc gia), cho thấy danh vọng của ông ở thời bấy giờ rất cao.

Khoảng thời Ngụy, Tấn, do quan hệ hiện thực xã hội, luồng tư tưởng đạo gia bắt đầu lan rộng, tổ chức đạo giáo đã hình thành. Học thuật bị ảnh hưởng, nhiễm nhiều màu sắc huyền bí, y học cũng không ngoại lệ, nhiều phương pháp trị liệu không xác đáng gây trở ngại cho nền y học chân chính phát triển. Trước tình hình đó, trước sau như một, Vương Thúc Hòa luôn kiên định lập trường đi theo con đường phát triển y học chân chính, miệt mài nghiên cứu chẩn đoán học của ông, ông đã sáng tạo và làm nên những thành tích rực rỡ cho Mạch học Trung Quốc, đó là một điểm nổi bật sự vĩ đại đầu tiên của ông.

Vương Thúc Hòa đã tổng kết kinh nghiệm của tiền nhân cộng với tâm đắc trong thực tiễn của bản thân ông đã soạn ra một trước tác vĩ đại Kinh Mạch.

Kiệt tác này tổng cộng có trên 110 nghìn từ, chia thành 10 quyển gồm 98 thiên.

Trong quyển một, trước tiên ông chia mạch ra thành 24 loại, đó là điều trước kia chưa từng có. Trước kia phân loại rất ít, mà nói cũng không xác đáng. Vương Thúc Hòa thấy cần phải tổng hợp một cách hoàn bị. Ông đã vén màn bí mật, công bố hết những cảm giác của thầy thuốc khi bắt mạch, phân biệt quy thành 24 loại mạch:

 

Phù

Khổng

Hồng

Hoạt

Số

Xúc

Huyền

Khẩn

Trầm

Phục

Cách

Thực

Vi

Tường

Tế

Nhuyễn

Nhược

Tán

Hoản

Trì

Kết

Đại

Động

 

Dưới mỗi mạch tượng, đều hiện rõ như miêu tả. Trong thiên thứ nhất Khai Tống Minh Nghĩa. Ông đã làm như thế, điều đó rất khoa học, trở thành trước tác riêng của một nhà. Mà trong mỗi mạch tượng, không hề lẫn lộn trùng lắp. Cuối cùng ông còn chỉ ra loại hình của 8 tổ nhóm mạch tượng.

Đối với khoa học còn có giá trị ở chỗ, 24 loại mạch mà ông đã chỉ ra, cơ bản đã bao gồm hết mạch tượng đã có trong hệ thống xử lý tuần hoàn hiện nay, mà cách nay trên 1.600 năm, nhà y học này đã đạt mức độ thành tựu đó, quả là đáng nể phục.

Căn cứ theo kiến thức sinh lý học ngày nay, biết rằng mỗi khi quả tim co bóp sẽ sản sinh ra sóng áp lực, gọi là sóng mạch, truyền đi động mạch khắp chu thân, lấy ngón tay sờ lên bề mặt của lớp da, sẽ nhận biết được nhịp đập lên xuống của sóng mạch, đó là mạch đập. Bắt mạch có thể nhận ra nhịp đập và tình trạng máu lưu thông trong huyết quản, mạch đập lớn nhỏ, suất tốc độ, tiết luật và tình trạng vách huyết quản. Trong đó, suất tốc độ và tiết luật hoàn toàn do nhịp đập của tim chi phối, tình trạng của vách huyết quản là do sự thay đổi của huyết quản quyết định, mà lớn nhỏ là do lượng đập ra của tim. Nồng độ và mức độ khẩn trương của huyết quản tạo nên. Những điều tạo nên này, dưới ngón tay bắt mạch, cảm giác được mạch tượng, nhất là trong tình trạng bị đau ốm càng hiện rõ hơn, ngày nay ứng dụng lâm sàng, vẫn chiếm một vị trí quan trọng.

Ví dụ lấy suất tốc độ của mạch tượng mà nói. Số nhịp đập nhanh đó là số mạch, tỷ số mạch càng nhanh đó là tật mạch, số lần nhịp đập ít đó là hoãn mạch và trì mạch. Nói đến tiết luật, nhịp đập không đều là kết mạch, đại mạch, xúc mạch. Nói về vách huyết quản, bắt mạch thấy căng như dây thừng gọi là khẩn mạch. Luận về lớn nhỏ, phù, khổng, hoạt, thực,v.v.. đều là đại mạch tượng. Vi, trầm, tường, phục, nhuyễn,v.v.. đều là tiểu mạch tượng. Mà một mạch tượng còn có thể kiêm nhiều thứ mạch tượng, ví dụ Hoãn mạch là mạch tượng nhỏ mà số lần nhịp đập ít, vì vậy cần phải phân biệt tỉ mỉ đoán được rõ ràng, chẩn đoán bệnh mới chính xác mà trong quyển “Kinh Mạch” của Vương Thúc Hòa thì đã phân biệt rất tường tận, khiến người ta phải nể phục cặp mắt quan sát, trí phán đoán toàn diện, sâu sắc của ông.

Vương Thúc Hòa còn kê ra một cách có hệ thống lộ trình chẩn đoán và trị bệnh trong bộ “Kinh Mạch” ghi chép tường tận, hôm nay xem ra vẫn còn rất đúng.

Từ đó cho thấy bộ “Kinh Mạch” không chỉ tổng kết thành tựu mạch học của quá khứ, nếu không phải do tác giả có cái vốn quí báu giàu kinh nghiệm trong quá trình thực tiễn tích lũy được, e rằng cũng khó mà viết ra được quyển sách có trình độ cao thế này. Vì vậy bộ “Kinh Mạch” không chỉ là trước tác vĩ đại của Trung Quốc, mà nó còn là trước tác vĩ đại của thế giới. Nó không những tạo ra bộ mặt mới về phương diện chẩn đoán, mà còn gây ảnh hưởng lan truyền ra nước ngoài, ví dụ: tại Châu Âu từ sau thế kỷ 8, nền y học Ả Rập nổi lên, đến sau thế kỷ thứ 10 trở thành nền văn hóa và khoa học tiến bộ nhất thời bấy giờ, mà trong đó phương pháp bắt mạch, sau khi từ Trung Quốc truyền sang mới làm giàu thêm – phát triển y học của xứ sở này. Từ đó cho thấy mạch học của Trung Quốc đã có công đóng góp cho văn minh thế giới, mà công tích do Vương Thúc Hòa tạo ra là điều không thể phủ nhận được.

Vương Thúc Hòa ngoài mạch học ra, còn có những công tích khác đóng góp đối với y học Trung Quốc. Chúng ta đều biết bộ “Thương Hàn Luận” của Trương Trọng Cảnh là một bộ danh trước, nhưng do chiến tranh liên miên, đã bị thất lạc không còn trọn vẹn. Vương Thúc Hòa phải cất công thu thập chỉnh lý lại, tách ra làm “Thương Hàn Luận” và “Kim Quỹ Yếu Lược” hai bộ lưu truyền đến ngày nay. Thử nghĩ nếu không có Vương Thúc Hòa ra tay, hậu thế khó mà biết được học thuyết của Trương Trọng Cảnh, thậm chí còn ảnh hưởng đến sự phát triển của nền y học Trung Quốc. Vì vậy mà Từ Linh Thai, nhà y học thời Thanh mới thốt ra câu nói: “Nếu không có Thúc Hòa, đừng hòng có Trọng Cảnh”. Âu cũng là lời an ủi, sự tri ân của hậu thế đối với Vương Thúc Hòa vậy.

Trích sách “Những câu chuyện Trung Hoa xưa Danh Y phần 2” của Nhà xuất bản Trẻ.