Hôm nay 99
Hôm qua 178
Tuần này 697
Tháng này 2462
Tất cả 17007



Danh Y Trung Quốc

Cát Hồng

Người đi tiên phong bào chế thuốc bằng phương thức hóa học

CÁT HỒNG

Người đi tiên phong bào chế thuốc bằng phương thức hóa học

Cát Hồng trong lịch sử học thuật Trung Quốc là một nhân vật kiệt xuất trên nhiều phương diện, vừa là nhà triết học, cũng là nhà hóa học và cũng là nhà y học. Đóng góp lớn nhất về phương diện y học của ông là nhận thức về chứng bệnh truyền nhiễm và bào chế dược phẩm hóa học. Có thể nói ông là người đi tiên phong bào chế thuốc bằng phương pháp hóa học của thế giới.

Cát Hồng bình sinh thích đàm đạo luyện đan và y học. Tự là Trĩ Xuyên, tính tình thẳng thắng đơn thuần, ai cũng nói ông chất phác, cho nên tự hiểu là  “Bào Bộc Tử ".

Tấn Thái Khang năm thứ hai (năm 281), Cát Hồng sinh ra tại Cú Dung – Đơn Dương (nay là Cú Dung tỉnh Giang Tô) trong một gia đình hoạn quan. Tổ phụ Cát Hệ và cha là Cát Đệ từng làm quan cho Đông Ngô thời Tam Quốc. Năm 13 tuổi Cát Hồng đã mất cha, gia đạo xuống dốc. Tuy vậy, Cát Hồng vẫn vùi đầu vào con đường tầm học vấn, nhiều kinh thư, sử thư, ông đều học thuộc, còn học “Vọng khí”, “Bốc quá” đại loại những sách đó. Tổ bối của ông là Cát Huyền được người đời tôn xưng là “Tiên ông” biết về luyện đan, truyền thụ cho Trịnh Ẩn.

Cát Hồng cảm thấy hứng thú bèn đến xin được học hỏi một thời gian.

Năm lên 20 tuổi, Cát Hồng đầu quân, làm quan trong quân ngũ. Lập được một số công trận nhưng không được ai luận công, ông chán nản xin ra quân ngũ, đến Lạc Dương định thu thập một số lớn sách khoa học kỹ thuật, vừa lúc gặp “cuộc loạn bát vương”, ông muốn về quê nhưng đường về đã bị bít lối. Lúc đó, ông có một bằng hữu được bổ nhiệm làm quan tại Quảng Châu, bạn ông bảo ông đi trước còn mình sẽ đến sau, đợi sau khi chính thức nhậm chức rồi sẽ bố trí công việc cho ông. Năm Quang Hy thứ nhất (năm 306), Cát Hồng đến Quảng Châu chờ đợi, nhưng không ngờ rằng bạn ông đi trên đường đã bị người ta giết chết, ông chỉ còn cách ở lại Quảng Châu.

Ở đây, ông làm quen với Thái thú Nam Hải Bào Huyền. Bào Huyền là người thích làm món thuật thần tiên, thích hợp với Cát Hồng. Cát Hồng xin bái Bào Huyền làm sư phụ. Còn đi thêm một bước là kết hôn với con gái của Thái thú họ Bào. Cát Hồng ở miền đất phương Nam cả thảy 10 năm (năm 306 – 316), ông đã từng đi qua Nhật Nam, Phù Nam (nay là vùng đất Việt Nam – Campuchia, Thái Lan) để tìm tiên đạo và nguyên liệu nấu tiên đơn.

Kiến Võ năm thứ nhất (năm 317), Cát Hồng trở lại quê nhà ở Giang Nam. Lúc đó nhà Tấn không còn quyền lực cai trị bờ Bắc Trường Giang nữa. Tư Mã Tuấn lên làm vua thứ nhất của Đông Tấn, vì muốn liên lạc với các hào tộc vùng đất Giang Nam, nói là để tưởng thưởng cho Cát Hồng đã từng lập “chiến công” thuở tuổi thanh niên, phong cho Cát Hồng chức “Quan nội hầu” (nay trên đồi Tây Hồ – Hàng Châu vẫn còn tấm bia đá tạc hình Tấn Nam Hầu Cát Hồng).

Trong khoảng năm 326, Cát Hồng làm quan ở kinh sư bốn 5 năm.

Cát Hồng nghe nói ở nước Giao Chỉ (miền Bắc Việt Nam) có nguyên liệu làm tiên đơn. Ông làm đơn xin thuyên chuyển đến huyện Câu Lậu tỉnh Quảng Tây làm việc nhưng vua Tư Mã Diễn lại không muốn cho ông rời xa mình. Buộc lòng Cát Hồng phải nói ẩn ý của mình, nhà vua thấy cho Cát Hồng đi đối với mình cũng có lợi, sau này sẽ hưởng được đơn thuốc trường sinh. Thế là Cát Hồng dời hết cả gia đình cùng đến ở tại vùng đất phương Nam này. Khi đến Quảng Châu, Thích Sử Đặng Nhạc và nhiều bạn bè đều nói vùng đất mà ông định đi có nhiều sơn lam chướng khí, không thích hợp với ông và gia đình, ai cũng khuyên ông ở lại Quảng Đông. Ông lên ngọn núi La Phu (nơi giao giữa hai huyện Huệ Dương và Bác La) sống theo cuộc đời tu đạo luyện đơn của ông.

Sống giữa miền đất phương Nam. Cát Hồng vừa muốn cứu dân vừa muốn chứng kiến hiệu nghiệm của viên đơn dược do chính mình làm ra. Ông thường đi làm quen với hàng xóm, thăm hỏi sức khỏe bà con, ông đã giúp cho nhiều bệnh nhân, cho uống những viên thuốc của mình. Kết quả chứng minh thuốc của ông đã trị khỏi bệnh cho khá nhiều người. Vì vậy trong dân gian mới có lời đồn: Trên núi La Phu có Cát thần tiên, ông có cái lò chin vòi, mỗi khi trong thấy bốc khói trắng là mẻ tiên đơn đã ra lò. Ai uống thuốc này có bệnh thành không bệnh. Còn không có bệnh thì được sống lâu trăm tuổi. Đích thân Cát Hồng có công chữa cho nhiều người khỏi bệnh, tất cả đều dùng thuốc hóa học của ông bào chế ra. Cho nên câu chuyện tiên đơn cứu sống người được lan truyền do nhân dân thêu dệt, cho Cát Hồng là tiên ông, còn vợ Cát Hồng là Bào tiên cô. Ngày nay trên núi La Phu còn có ngôi đền “Xung Hư Cổ Quan” nói là năm xưa Cát Hồng viết sách tại đây, gần đó còn có di tích “Trĩ xuyên Đan Táo”, “Tẩy Dược Trì”, còn “Tiên Nhân Ngọa Thảng” (ông tiên ngồi nằm) là nơi dừng chân của Cát Hồng mỗi khi đi hái thuốc.

Đến năm thứ nhất Kiến Nguyên Tấn Khang đế (năm 343) Cát Hồng từ trần.

Cát Hồng ra đi để lại rất nhiều trước tác tổng cộng trên 500 quyển. Về y học có “Kim Quỹ Dược Phương” 100 quyển, “Thần Tiên Phục Thực Phương” 10 quyển, “Hàn Ngọc Tiễn Phương” 5 quyển, trong đó một phần của quyển “Bảo Bộc Tử” và “Chẩu Hậu Cấp Yêu Phương” đối với y dược học Trung Quốc có công đóng góp rất lớn.

Trong “Bảo Bộc Tử” ghi chép rất nhiều về luyện đơn, tương đương với thí nghiệm hóa học thời hiện đại, trong đó 3 quyển “Kim Đan”, “Tiên Dược”, “Hoàng Bạch” dưới cái nhìn khoa học tự nhiên mỗi loại có trọng điểm khác nhau. “Kim Đơn” là lấy vật chất vô cơ nấu ra gọi là Tiên Trường Sinh, “Tiên Dược” là bàn về lấy Ngũ Chi có tính thực vật giúp cho kéo dài tuổi thọ là chính, còn “Hoàng Bạch” lấy nhân tạo Hoàng Kim và Bạch Ngân làm chính.

Cát Hồng đã trải qua công tác thực nghiệm hóa học. Ông lấy Sulphur arsenic. Sulphat đồng cho vào cao nhiệt, bị carbon hoàn nguyên thành dịch thể hỗn hợp arsenic đồng, lại đưa hỗn hợp này cùng với Cinabre vermillon (Đan sa) tác dụng ra thành hỗn hợp thể của hỗn hợp đồng, thạch tín, thủy ngân. Màu sắc của hỗn hợp thể này là hoàng kim. Cát Hồng đặt tên gọi là “Bảo Đan”.

Cát Hồng đưa Cinabre vermillon (Đan sa) gia nhiệt. Khiến nó phân hủy ra thành thủy ngân, lấy thủy ngân cộng với lưu huỳnh cho lưu hóa từ màu đen đỏ biến thành màu đỏ. Từ sulphur thủy ngân trích ly ra thành thủy ngân đối với Cát Hồng là công việc như cơm bữa. Thuật luyện đan ở Ả Rập đến thế kỷ thứ 8 mới có. Cũng là lấy Đan Sa và thủy ngân làm hoạt chất chính, vì thuật luyện đan của phương Tây với trước tác của Cát Hồng có quan hệ với nhau.

Mục đích của Cát Hồng là muốn tăng tiến tuổi thọ cho mọi người. Xuất phát từ quan điểm y học do luyện đan mà phát  minh ra nhiều vật hỗn hợp trở thành hình thức có sớm nhất của hóa học dược. Cho đến ngày nay, ngoại khoa Trung Quốc phổ biến ứng dụng hai loại dược phẩm “Thăng đơn” và “Giáng đơn”, chính là một trong di sản luyện đơn của Cát Hồng để lại. Cát Hồng là người đi tiên phong sáng tạo hóa dược phẩm của thế giới, giới học thuật đã công nhận từ lâu.

Trong “Chẩu Hậu Phương” có một đoạn diễn tả tình trạng bệnh truyền nhiễm cấp tính rất tường tận: mấy năm gần đây có lan truyền một chứng bệnh ban mụn, một khi bị truyền nhiễm, cả mặt mày và toàn thân đều phát màu đỏ, hình dáng đỏ mọng, bọc nước nóng hực, bên trong là màu trắng đục, nếu phá bể đi thì sẽ mọc cái khác, nếu không kịp thời chữa trị, chỉ mấy ngày sau sẽ chết. Người được trị khỏi, bệnh lành rồi vẫn để lại vất sẹo màu tím, phải hơn một năm sau mới mờ dần. Loại bệnh này từ Nam Dương (Indonesia) truyền sang. Vì năm 301 quân đội triều đình Trung Quốc và Nam Dương đánh nhau, một số tù binh của Nam Dương bị bắt, chứng bệnh từ trong số tù binh truyền nhiễm ra. Cát Hồng là người đầu tiên ghi chép về bệnh đậu mùa này. Cách quan sát và diễn tả chi tiết tỉ mỉ của ông giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử khoa truyền nhiễm thế giới.

Về chứng bệnh “Quỷ Chủ” hay “Thi Chủ” trong sách Cát Hồng đã nói có 36 thậm chí tới 99 loại, bệnh này diễn biến khôn lường, lúc nóng lúc lạnh, hôn hôn mê mê, không biết chỗ nào khỏi, lại không có chỗ nào dễ chịu, càng kéo dài sức khỏe và tinh thần xuống dốc cho đến chết. Chết rồi người kề cận còn bị lây nhiễm, nặng hơn cả nhà đều chết, cho nên người ta mới đặt cái tên cho loại bệnh này là “ Quỷ Chủ” hoặc “Thi Chủ”. Mà bệnh lao phổi này vào đầu thế kỷ thứ 4 đã được Cát Hồng phát hiện, quả là kỳ tài hiếm thấy.

Ngoài ra, Cát Hồng đối với một số chứng bệnh cần thuốc đặc hiệu cũng cất công nghiên cứu, như ông đã sáng ý dùng bột Giới Tử trộn với giấm (chua) đắp lên vùng da, nhằm kích thích cục bộ cải thiện sự tuần hoàn của máu và Lymphe, đó là phép trĩ liệu ngoại khoa để trị viêm lymphatique rất hiệu nghiệm.

Do Cát Hồng vượt trội phát triển tư tưởng đạo Gia, viết rất nhiều sách lí luận triết học nên nhà y học này được đạo giáo tôn làm “Chân Nhan”.

Trích sách “Những câu chuyện Trung Hoa xưa Danh Y phần 2” của Nhà xuất bản Trẻ.