Hôm nay 50
Hôm qua 123
Tuần này 470
Tháng này 2235
Tất cả 16780



Bệnh án xưa

Người Thợ Già Trị Bệnh 2

Tác giả: TRẦN NAM HOÀN

Ngày Đăng: 07 : 06 : 2012

BÀ LANG CHỮA LỴ

(1922-Nhâm Tuất)

            NGƯỜI BỆNH: bà cụ Phạm thị Điệu (Thân Mẫu tôi) đức tính hiền hòa, không tranh dành cãi cọ, cư xử tùy nghi, không bán buôn vay trả, cảnh nghèo vui sống tự nhiên, hưởng thọ 86tuổi (1865-1950)

            NGÀY BỆNH: mùa hè năm ấy, thân mẩu tôi, người 58 tuổi, xét về ẩm thực thì thanh đạm không có xô bồ, kinh kỳ thai sản thì ít có bệnh tật, lại không dầm mưa dãi nắng, không đầu nặng chân trơn, chỉ ở nhà vá may canh cửi bình thường, thế mà mắc bệnh lỵ.

            CHỨNG BỆNH: Trước đau bụng đi ỉa lỏng vài ngày, rồi đau bụng đi kiết (kết) biến thành hạ lỵ. Mỗi cơn quặn đau lại bắt lỵ, khi đỏ, khi trắng, khi như gan thối, khi trắng đỏ hỗn tạp.. mỗi cơn lỵ rặn lòi đom, lỵ xong tóat mồ hôi thở mệt ngày 5-7 lần, thuốc thang không khỏi. Sau ngày đêm vài chục lần, khi nóng, khi lạnh, kém ăn ít ngủ, xanh gầy mệt mỏi, mạch trầm tay chân lạnh, lúc ấy đã hơn một tháng.

            SỰ VIỆC: khi bệnh lỵ đã trầm trọng, thân phụ sai tôi viết thư gọi các anh đang làm thuốc ở các nơi (ông anh cả ở Hà Nội, anh thứ hai làm y tá ở Hải Phòng, anh ba ở chợ Tam Thôn) phải về cả, hội lại thảo luận cách chữa trị: nào là tiêm thuốc tây, nào là thuốc viên, thuốc nước đủ lọai mà vẫn không khỏi. Cả nhà nóng lòng cho là bệnh lỵ này trở thành bất trị.

            Sau, bà con trong họ bàn :”Phải đi lấy thuốc lỵ của bà lang ở làng Trí Yên, huyện Nam Trưc, Tỉnh Nam Định về sắc uống mới khỏi, người ta đồn đại hay lắm”. Đường đi từ nhà đến nơi lấy thuốc ấy, xa chừng 10 cây số đường bộ, không có xe cộ. Đi lấy được thuốc, về tới nhà là phải một ngày. Tôi phải nhận lãnh việc đi lấy thuốc.

            Tôi hỏi thăm mãi tới nhà bà lang đã thấy 2-3 người ngồi chờ. Khi bà ở trong nhà đi ra, tay cầm 5-10 gói thuốc, tôi nhìn bà người phúc hậu, chừng ngòai 60tuổi. Bà đưa cho mấy người kia mỗi người một thang, trên bàn còn lại mấy thang.

            Đến lượt tôi (mấy người kia đã ra về) tôi nói bệnh lỵ như thế, như thế.

            (Bà bảo) Xà! Bất luận lỵ gì, tao chỉ cho một thang là khỏi.

            (Tôi nói) Xin bà cho cháu vài thang, nhà cháu xa lắm.

            (Bà nói) Một thang khỏi rồi, không phải 2-3 thang gì cả. Xong bà lấy ở trên bàn đưa cho một thang. Bà dục về đi.

            Tôi đem thuốc về tới nhà, trời đã tối sẩm. Cả nhà mở thuốc coi , thì thấy rặc lá cây, chẳng biết là cây gì?

            Thân phụ tôi bảo :Thôi cứ để vậy sắc ngay cho mẹ uống.

            Đêm đó đưa thuốc cho người uống , mỗi lần uống một ít, vì còn có ý nghe thuốc, vài ba lần uống hết nước đầu. Khỏang nửa đêm lỵ có vẻ thưa. Đến sáng thấy người có phần tỉnh tỉnh.

            Sáng mai cả nhà dục tôi đi lấy thuốc nữa.

            Tôi đi thật sớm tới nơi, gặp bà ở nhà.

            Thưa bà: Mẹ cháu nhờ thuốc bà, hôm nay lỵ có phần đã bớt, xin bà làm ơn cho cháu 2-3 thang luôn thể, vì cháu ở xa đây 10 cây số đường bộ.

            (Bà bảo) Làm gì có thuốc mà 2-3 thang, còn phải để phần người khác chứ. Bây giờ chú cứ lấy một thang đi, rồi tao bảo cho về mà kiếm lấy cho mẹ chú uống. Trong thuốc đó chỉ có hai vị bằng lá hoa thôi. Biên lấy vị thuốc, cách sao chế và cân lạng rồi đi về kẻo tối.

            Dạ! Cám ơn bà rất nhiều, thưa bà cháu về.

            Hôm ấy, chiều muộn mới về tới nhà, các anh chị thấy tôi hớn hở chạy ra bảo  :”Ngày hôm nay mẹ có vẻ bớt lỵ”. Tôi mừng quá đưa thuốc cho chị sắc.

            Xong, vào thưa với cha và các anh những vị thuốc và những lời bà lang đã chỉ bảo, cùng nói luôn, vừa nãy con về qua cửa đền làng ta, con nhìn bờ tường đã thấy có rất nhiều cây Phượng Vỹ Thảo, còn Hoa Tử Vi chắc trong chùa cũng có ạ.

            Thân mẫu tôi uống hết thang thứ hai. Sáng hôm sau bệnh lỵ bớt nhiều hơn và người đã ăn được chút cháo.

            Cả nhà vui mừng, tôi đi tìm đủ cả hai vị thuốc, sao chế như bà lang đã dạy.

            Thân mẫu tôi uống đến thang thứ 5, bệnh khỏi hòan tòan. Sau uống thuốc bổ cho khỏe.

PHƯƠNG THUỐC

            Tử vi hoa: một nắm độ 50g, chỉ xé nhỏ sao vàng không phải rửa.

            Phượng vĩ thảo: một nắm cũng độ 50g (hai vị bằng nhau) dùng cả cành và rễ, rửa sạch đất, phơi khô sao vàng.

            Chỉ có hai vị, đổ chung sắc uống, không phải thêm gì cả.

            Cây tử vi, người ta trồng ở cửa đền, cửa chùa và vườn cảnh để chơi, thuộc lọai cây dâu. Hoa nó nở về mùa hè, hoa nở từng chùm, hoa đỏ hoa trắng, hoa đỏ trắng lẫn lộn, còn có tên là bách nhật hồng.

            Phượng vĩ thảo thuộc lòai cỏ, hay tự mọc ở những nơi kẻ gạch đá, bờ tường rậm rạp ẩm ướt. Cây nó có một ống cứng nhỏ mọc lên, đầu ống có một lá, rồi hai lá mọc hai bên như hình ba chặng, không hoa quả, đầu lá nhọn, tựa lá trúc mà to hơn giữa lá có từng đốt, lưng lá có vân vàng vàng, nên còn gọi là Kim Tinh Thảo.. nó cũng thuộc lọai Cây Cẩu TíchQuán Chúng.

            Bài thuốc này trong các lọai sách y học hình như không có, mà dược tính dược liệu của nó tôi cũng chưa hiểu hết, còn sự kiếm thuốc thì rất dễ.

            Hai vị thuốc trên là hai vị thuốc nam đã trị khỏi bệnh lỵ, đã cứu sống bà cụ. Lại trị khỏi bệnh này ngay ở một nhà mấy danh y và một y tá. Như vậy, ta thấy rõ một trường hợp “Thuốc nam đánh đổ thuốc bắc và thuốc tây” nơi đây.

            Bài thuốc gia truyền của bà lang (quên tên) này , mà bà đã bảo cho tôi thì chắc bà còn bảo cho nhiều người. Vậy bà là người có đức mà không bí truyền. Cám ơn bà.

            Đến năm thân mẫu tôi 86tuổi, bệnh lỵ tái phát (từ năm lỵ trước (58tuổi) đến năm lỵ sau (86tuổi) là 28 năm trường).

            Khi thân mẫu tôi tái phát bệnh lỵ này, người ở Hà Nội thiếu gì thuốc, nam , tây, và bắc đều có cả.

            Bệnh lỵ kỳ sau này đau bụng ỉa lỏng vài lần quay ra lỵ ngay, vài lần bón rặn đỏ trắng rồi chỉ ra tòan bọt như gạch cua 4-5 ngày sau á thanh không ăn. Tất cả trong vòng 7-8 ngày, người mất.

            Thưa qúy độc giả trong y giới đông tây.

            Bệnh lỵ có lưu độc trong thời hạn nào đó rồi tái phát chăng?

            Việc này, anh em tôi luống những đau lòng mà ngơ ngác nhìn nhau, vẫn chưa có câu trả lời, mặc dù đã cạn cùng suy nghĩ.

            Xin qúy vị chỉ giáo.

            Riêng tôi mãi về sau này, tôi đã gẫm có mấy người trong thời trung niên mà đã phát bệnh gì nặng (tỷ thương hàn, đau tim, đau phổi, đau gan, mất máu… thuộc về kinh lạc tạng phủ) sau khi trị khỏi bệnh nặng ấy một thời gian dài nào đó, nó đã tái phát thì thật khó trị. Phải chăng?

Vậy , bệnh của thân mẫu tôi có lẽ cũng thuộc lọai này.

Trích “Cuộc Đời & Kinh Nghiệm Người Thợ Già Trị Bệnh”