Hôm nay 106
Hôm qua 104
Tuần này 297
Tháng này 2062
Tất cả 16607



Bệnh án xưa

Người thợ già trị bệnh 13

Tác giả: TRẦN NAM HOÀN

Ngày Đăng: 30 : 10 : 2014

MÔN THUỐC MÀI

            Mài thuốc cho uống cũng là một môn thuốc thang, thuốc tán, thuốc viên… hay như môn châm cứu vậy, nhưng vùng này không có môn châm cứu.

CÁCH MÀI THUỐC: Lấy một cái bát nhỏ (bằng bát ăn cơm hay lớn hơn chút) trong lòng bát nham nháp (ram ráp, nghĩa là đừng láng, đừng nhẵn ) để mài thuốc vào đó thì thuốc mới mau mòn, mau tan ra.

Một chai hay một bình, một bát nước lã để đấy.

Khi mài thuốc, rót chút nước lã (một chút thôi) vào cái bát nháp ấy ; cũng có bệnh mài bằng rượu cho mau dẫn thuốc.

Lấy vị thuốc (mình cần dùng) mài vào cái bát nháp có nước ấy, mài nhiều hay ít, đặc hay lỏng, tùy bệnh mà mình cần phải mài.

Mài xong vị ấy, lấy tay gạt vét chất thuốc đã mài  vào cái bát khác hay cái niêu, cái soong nhỏ vào đó để đấy.

Lại mài vị thuốc khác xong, cũng gạt vát vào cái bát hay cái niêu soong vừa đựng thuốc ấy.

Xong mài mấy vị nữa, (tùy bệnh phải dùng) cũng vét dồn chung cả vào cái bát đã đựng thuốc ấy.

Khi mài xong, (vừa ý mình) đem bát thuốc (hay niêu soong) ấy để trên bếp than hồng cho nóng già hoặc cho sôi rồi đem ra cho bệnh nhân uống.

Phần nhiều những thuốc thảo mộc thì đun chín, những thuốc kim thạch thì để sống.

CÁCH GIỮ THUỐC: Những vị thuốc đẻ mài, mỗi vị gói riêng một miếng gói nhỏ, bỏ chung vào một túi vải lớn hay để trong một cái  tráp nhỏ (tùy tiện).

Nhưng có người phân loại :

–Những loại kim thạch một túi : như Vàng sống, Hoạt thạch, Thạch cao, và Tam thần (Thần sa, Chu sa, Hùng hoàng)…

–Những loại thảo mộc một túi : như Phòng phong, Khương hoạt, Thương truật, Xuyên khung, Bạch chỉ, Cam thảo, Gừng, Riềng, Củ sả, Phong khương, Địa liền…

–Những loại đặc biệt như Sâm, Nhung, Quy, Thục, Quế, Phụ

Những loại sợ bay hương phải bỏ lọ một túi như Băng phiến, Long não, Trầm, thuốc gió, thuốc trừ…

Những vị nào mềm nhẹ, người ta chọn thứ tốt 2 – 3 cây, buộc chặt vào với nhau để mài cho chắc, buộc riêng vị nào ra vị ấy, như mấy cây Phòng phong, mấy miếng Khương hoạt v. v…

Vị nào mài rồi, lấy khăn thấm khô rồi gói lại. Những vị thuốc gói vào miếng vải là để mau khô đỡ bị mốc, những người chuyên trị một môn nào đó, họ dùng ít vị, họ bỏ túi thuốc vào túi bên mình, để nhờ sức nóng của người, thuốc vẫn được khô. Những người trị nhiều bệnh, dùng nhiều thuốc đôi khi phải đem phơi cho khô. Nói chung thuốc khô dễ mài, dễ biết chừng mực.

Ý THỨC TRỊ BỆNH: Thầy thuốc mài nào cũng có ý thức riêng biệt, nào vì nhận định bệnh nặng nhẹ trước sau khác nhau, nào vì mài thuốc mỗi vị nhiều ít khác nhau dù cùng một loại bệnh mà tiếng đồn thầy này hay hơn thầy kia.

Lại cũng vị tiếng đồn, tiếng hay đó để ăn tiền mà có thầy giấu giếm nhau một vài vị riêng biệt, cho là thần kỳ bí pháp không cho ai biết.

Vậy thầy có môn thuốc mài cũng là dùng thuốc trị bệnh như các thầy trong các môn khác có chi là lạ.

VÙNG NÀY CÓ BA THẦY THUỐC MÀI :

1.-Cụ lang Thanh ngoài 70 tuổi, người làng Thanh Hà (dưới sông) tóc bạc, râu dài, đẹp lão, tính tình vui vẻ. Khi xem bệnh nói lớn rõ ràng dứt khoát, giỏi về môn tiểu nhi, đông khách. Túi thuốc mài có hai loại trẻ em và ngoại cảm. Cụ chỉ ngồi nhà đan lưới. Ai cần thì đến nhà bè của cụ, kể bệnh cụ mài thuốc cho, rót vào chai lọ, đem về đun sôi lên mà uống.

2.-Thầy lang Mừng tức Việt khoảng 45 tuổi, người làng Thanh Hà (dưới sông). Mập mạp đen bóng, tính tình vui vẻ, hiếu khách, hào phóng. Khi xem mạch nói giắt giây mập mờ khó hiểu, chữa đủ mọi bệnh, rất đông khách, nổi tiếng. Túi thuốc mài có đủ loại. Thầy đi chài lưới quanh vùng nhà bè của thầy nhưng vẫn đem túi thuốc mài theo. Ai cần thì bơi thuyền tìm thầy. Thầy mài thuốc ngay đấy cho đem về đun sôi mà uống. Thầy còn kiêm cả môn thuốc thang, thuốc tán, thuốc viên nữa. Ai có bệnh cần mời thầy, thầy bỏ chài lưới đi về ngay, thầy hiện nay còn có cô con gái, là cô Mừng ở Xóm Mới, Gò Vấp, Gia Định.

3.-Ông lang Gấm khoảng 40 tuổi, người làng Kẻ Sải (Tụy Hiền, trên bờ), cao dỏng, trắng xanh, gầy yếu, tính tình chậm rãi, khi xem bệnh rủ rỉ trầm ngâm không rõ, chuyên trị bệnh trẻ con, ít khách. Túi thuốc mài chỉ có loại thuốc trẻ con, ông hay đi chợ Phố Đồi buôn bán. Ông đem túi thuốc đi theo đến đâu ai cần thì mài.

Nói chung, ba thầy thuốc mài này, chỉ có thầy lang Thanh là thuộc mấy bài nôm về dược tánh, còn hai thầy kia là bắt chước học lỏm rồi quen tay nên nghề.

Nói về bệnh : Bệnh nặng như sài kinh, đau bụng, trúng phong… thì mời thầy đến nhà mài thuốc. Thầy phải ở lại trông chờ mài thuốc luôn luôn, bệnh đỡ mới về. (Dĩ nhiên khi ấy có cơm rượu). Bệnh nhẹ đến nhà thầy, thầy xem bệnh mài thuốc rót vào chai đem về đun sôi mà uống. Mỗi ngày uống một lần thì đem một chai, nếu muốn uống 2 – 3 lần thì phải đem 2 – 3 chai, vì mỗi lần mài đều riêng biệt.

Nói về tiền thuốc bấy giờ độ một xu hay xu rưỡi – 2 xu một chai là nhiều.

Tôi đến vùng này thấy người ta hay dùng môn thuốc mài. Tôi theo đường lối tìm bệnh mà trị của Biển Thước:

« Khi ông đến đất Hàm Đan , nghe người ta chiều chuộng phụ nữ, ông chế thuốc huyết đỏ, huyết trắng.

Đến đất Lạc Dương, thấy người ta kính trọng bậc già cả, ông chế thuốc sáng tai, sáng mắt.

Đến đất Hàm Dương, thấy người ta yêu quý trẻ con, ông chế thuốc sài ghẻ, cam giun ».

Đó là chìu theo sự cần dùng về thuốc của địa phương, hòng mau có tiếng hay lan rộng.

Tôi cũng làm môn thuốc mài, soạn ra từng loại như mọi thầy, nhưng còn có những vị sao tẩm riêng biệt.

Tôi cũng được đông khách, vì dù sao về học thức tôi cũng trội hơn ba thầy ở vùng ấy ít nhiều.

SUY XÉT : Dùng thuốc mài, kể ra rất giản dị, đỡ tốn thuốc, đỡ tốn tiền hơn các thứ thuốc khác.

Khi cần, có thuốc uống ngay không phải chờ đợi đun nấu như thuốc thang.

Thay đổi thêm bớt ít nhiều, tùy nghi không cố định, như thuốc viên, thuốc tán.

Lại tiện lợi cho những lúc đêm khuya hay ngày mưa gióxa chợ xa thầy có thuốc uống ngay khi bệnh cần.

Chỉ có những người thành phố quá cẩn thận, họ cho là tay mài bẩn, vải gói dơ, vị thuốc hỗn tạp hôi hám, mất vệ sinh, họ không dùng. Nhưng đã rửa tay, rửa bát trước khi mài, đã nấu chín và đã sát trùng, đâu có mất vệ sinh.

Còn những người thôn quê mộc mạc dễ dãi, họ cho là mau chóng, tiện lợi, đỡ tốn tiền, nên họ ưa dùng.

Thiết tưởng môn thuốc mài rất nên mở rộng.