Hôm nay 64
Hôm qua 113
Tuần này 510
Tháng này 3623
Tất cả 13979



Bệnh án xưa

Người thợ già trị bệnh 10

Tác giả: TRẦN NAM HOÀN

Ngày Đăng: 16 : 05 : 2014

ĐAU BỤNG HAY ĐAU TIM

(1931-TÂN MÙI)

            Trị khỏi bệnh, được gọi thầy Lang Bể. Năm 1931 tôi chính thức là thầy thuốc chuyên nghiệp.

            Người Bệnh: Anh Huyền ( Trương Văn Huyền) 22 tuổi, con của cụ trùm Hồng (cụ Trương Văn Hồng, nhà cụ theo đạo Thiên Chúa, cụ làm trùm đạo) ở làng Thanh Hà Mỹ Đức Hà Đông.

            Chứng Bệnh: Anh tươi trẻ, đẫy đà khỏe mạnh, đẹp trai. Khỏang 10 giờ sáng ngày hôm đó, tự nhiên nổi một cơn đau bụng dữ dội, nhẩy lên chồm chồm. Mỗi cơn đau anh đưa thằng người nhẩy chồm chồm 2,3 cái, đầu gần chạm nóc nhà bè, hai tay giang ra, mặt đỏ bừng, tia mắt cũng đỏ, môi miệng khô, không khát nước, không ói ợ, không ỉa chẩy và tay chân không lạnh. Nhảy xong anh ngồi phịch xuống, nằm ngửa ra thở. Vài phút sau lại dậy lại nhẩy, lại nằm xuống từng cơn như vậy.

            Cả nhà lo sợ, bà con anh em họ hàng xúm lại đỡ, vực, đấm lưng, ấn bụng, xoa dầu, nắn bóp tay chân và rang cám chườm (ở vùng này không có môn cạo gió)… phần lo cử người đi mời cụ lang (có môn thuốc mài) đến mài thuốc cho uống, không bớt, phần lo cỗ bàn khách khứa đầy rạp.

            Cụ Qũy Hạnh lên thăm bảo:”ở nhà tao có ông lang mạn Bể lên chơi đấy, đến mời đi”.

            Sự Việc: đầu năm 1931, thân phụ tôi 75 tuổi. Người từ nơi trọ làm thuốc (Lác Môn, Nam Định) dọn về làng (Dịch Diệp, Nam Định) nghỉ duỡng già, không ở lại đấy làm thuốc nữa. Cả gia đình cũng dọn đi hết.

            Vài tuần sau, tôi nghĩ mình theo cha về ở nhà thì chơi không sao, mà đi theo các anh làm việc thì chỉ là phụ tá mà thôi. Ta nên trở lại nơi trọ cũ hưởng thụ danh tiếng  và nề nếp của cha, mà lại có tính tự lập, vạ gì phải đi đâu, tôi liền xếp đặt quần áo và thuốc viên, thuốc tán lặt vặt mấy thứ cần thiết vào va li nhỏ, xin phép hai cụ tôi trở xuống nơi trọ cũ.

            Tôi tới nơi trọ cũ ở chơi vài ngày. Lần này anh Nguyễn Văn Ngân Cháu ông chủ nhà, anh hơn tôi một tuổi, anh và tôi cùng học một lớp nho với thân phụ tôi, nhưng anh đã nghỉ để buôn bán) dụ tôi đi buôn bán với anh. Anh Ngân bảo: “bác đi buôn với tôi vào làng Thanh Hà, Mỹ Đức Hà Đông, đồng thời bác làm thuốc ở đấy, mạn ấy thiếu thầy thuốc hay bác ạ!

            Tôi đang không có việc làm, nghe anh nói bùi tai cũng cứ đi xem sao!

            Anh em hai ngừơi va li hành lý ra đi từ sáng, chiều tối đến một nhà bè ở làng Thanh Hà, nhà cụ Qũy Hạnh( cụ Trần Văn Hạnh , cụ làm thử quỹ làng ấy)

            Anh Ngân đi đi về về buôn bán vẫn trọ nhà cụ ấy. Khi có tôi cùng đến, anh giới thiệu tôi là thầy thuốc nên cũng được hai cụ và cả gia đình tiếp đãi ân cần vui vẻ.

            Nói về làng Thanh Hà: làng này tên chữ Thanh Hà. Nhưng dân làng tòan ở nhà bè trên mặt sông con, làm nghề chài lưỡi và buôn bương tre, nên gọi là làng dưới sông. Làng này ở trên mặt sông con, sông dài đến đâu họ cắm nhà bè đến đấy. Tính từ sông Bến Đục, Yến Vỹ qua Yên Duyệt, Nống Hạ, Nống Thượng, Kẻ Sải, Yên Đà, Đồng Chiêm, Hang Nước đến sát bãi phố Đồi (thuộc tỉnh Hòa Bình) dài chừng 20 cây số đều có nhà bè ở rải rác khắp nơi. Làng này tuy chỉ có bê dài nhỏ hẹp, nhưng sự sống nhờ vả đến các làng trên đất hai bên ven sông thành ra rộng lớn. Tuy nhiên việc hành chánh và hội hè vẫn lấy khu nhà cụ Quỹ Hạnh (sát với làng Kẻ Sải trên đất) làm nơi giữa làng.

            Sự đi lại của làng ấy, chở nhiều thì có “thuyền danh” đi chơi đi làm một hai người thì có “thúng bơi”.

            Nói về cái nhà bè: nền nhà bằng cây luồng, cây hương và tre nứa kết lại thành mảng dưới nước. Nhà làm trên mảng cũng có nhà gỗ nhà tre, nhà to, nhà nhỏ khác nhau nhưng đầy đủ tiện nghi. Đặc biệt cũng có những nhà gỗ  chạm trổ sơn phết rất đẹp . nói chung về khích thước, chiều cao từ nền đến nóc bè độ 2 mét trở lại, dài chừng 10mét là nhiều, rộng chừng 3 mét là nhất.

            Nói về anh Ngân và tôi, những ngày ở nhà cụ Quỹ Hạnh, ngày nào cũng thuê thuyền đến chơi mấy nhà duới sông hỏi mua bương tre có ý chở về Lác Môn bán. Chiều chiều đi chơi xem cảnh ở mấy làng ở trên đất. Quang cảnh gần rừng núi, nếp sống của dân cư cũng hơi lạ mắt, mộc mạc và thật thà.

            Anh Ngân mua đuợc bương tre đóng bè mảng. Tôi có đồng nào cũng bỏ cả vào đấy với anh. Anh nói, về bán chia lời.

            Nhưng lòng tôi chẳng nghĩ gì đến giá cả lãi lời. Tôi chỉ nghĩ về nghề và tiếc rằng :” nếu làm thầy đề thì giờ đã yên thân, chữ lẽo đẽo như thế này thì mình sẽ thành anh lái bè sao? Chán quá!”.

            Chiều hôm ấy, thấy trên bãi gần nhà cụ Quỹ Hạnh, người ta đang làm rạp, kê bàn ghế, nồi niêu bát đĩa xếp đầy.

            Hỏi chuyện cụ Quỹ Hạnh cho biết:

            Đó là anh Huyền, con cụ trùm Hồng lấy vợ, làm rể nhà ấy đã ba năm. Sáng mai thứ bẩy làm lễ cưới, nên người ta làm rạp, mua bò mua lợn, làm cỗ mời hai họ và dân làng dưới sông, trên bờ đến ăn cưới đầy. Nhưng ăn thì ăn chả biết vì lý do gì, ba ngày sau lễ cưới, đôi này mới được về với nhau. Luật đạo chúng tôi hễ đã có lễ cưới là thành vợ chồng. Kể cũng lạ sao không cho cưới ngay, chắc là họ kiêng cữ gì đấy?

            Đến ngày cưới của anh Huyền, cụ Qũy Hạnh đi ăn cưới; tôi và anh Ngân nằm dài ở nhà đang bàn bương tre thế này thế nọ… chợt có hai người đến nói:

            Thưa thầy: chúng tôi có em Huyền đang đau bụng, nguy lắm, bè ở gần ngay đây. Được cụ Qũy Hạnh cho biết, xin thầy làm ơn lại xem cho.

            Tôi ngồi dậy hỏi: à có phải cái cậu làm lễ cưới sáng nay và giờ này đang ăn cưới đấy phải không?

            Dạ phải!

            Tôi đứng dậy lên bờ đi ngay, cách đó bốn nhà bè      thì tới (anh Ngân cũng đi theo). Thấy cảnh  tượng cậu Huyền đang đau nhẩy chồm chồm, tôi xem bệnh rất kỹ như đã nói trên. Lại thấy nhiều người xúm lại gần chìm đầu bè xuống và sặc mùi dầu gừng.

            Thưa các ông, các bà (tôi) , bệnh này khó trị lắm, nếu sơ ý một tý sẽ nguy. Các ông các bà  có đồng ý là “ có thể nguy” tôi mới dám cho thuốc.

            Các ông các bà đều nói :”xin thầy cứ cho thuốc”.

            Nếu vậy (tôi) xin hãy lấy nước mưa cho cậu uống vài chén con, chớ uống gừng, xoa dầu. Tôi về lấy thuốc cho cậu uống.

            Khi trở về nhà cụ Quỹ, tôi mở va ly tìm gói thuốc, anh Ngân hỏi: bệnh gì vậy hả bác, chữa được không?.

            Bệnh “tâm lý” chớ bệnh gì, tôi chữa khỏi ngay cho mà xem.

            Tôi đem thuốc sang, tôi sắc thuốc, tôi đổ thuốc cho cậu uống và nói chuyện đôi câu với cậu. Cậu uống hai lần thuốc, cậu khỏi hẳn không đau nữa, thuốc thật là hay.

            Tôi cáo từ ra về. Cả nhà vui vẻ đứng lên tiễn chân.

            Khi trên đường tôi thóang nghe vài bà dưới bè, mấy ông trên bờ xì xào nhau :”thằng Huyền nó đau kỳ quá! Ai chữa khỏi vậy? – Thầy Lang bể”.

            Tôi bước lên bè gọi: Ngân ơi cái anh Huyền ấy khỏi đau rồi, khỏi rất mau lại mau tỉnh nữa.

            Ngân chòang ngồi dậy: khỏi rồi hả bác, hay quá nhỉ!

            Chợt có tiếng chân người bước lên bè. Tôi quay ra thấy ông cụ già.

            Thưa thầy (cụ gìa nói ngay), tôi là trùm Hồng, thân sinh ra cháu Huyền.

            Thưa cụ (tôi) chúng tôi mới đến đây còn lạ lắm. Hân hạnh được biết cụ.

            Thưa thầy (cụ) Huyền con tôi, cháu nó đựơc khỏi bệnh ngay là nhờ thầy mà yên lành mọi sự, nhất là tiếc cười của cháu như thế này là vui vẻ trọn vẹn. Tôi đến đây xin mời hai thầy đến dự tiệc cho chúng tôi được gọi là có chút lòng đền đáp.

            Thưa cụ(tôi) anh em tôi đến đây chưa hiểu phong tục, xin cho chúng tôi từ cáo. Kẻ tha thiết mời, người cố tình chối, sau khôi thể chối từ, anh em ra dự tiệc cưới.

            Tới rạp, cụ trùm Hồng nắm lấy tay tôi và thưa các cụ và bà con hai họ.

            Đây lang Bể, thầy vừa chữa khỏi bệnh cho chú rể, khỏi được ngay đấy ạ! Chúng tôi mời thầy ra dự tiệc.

            Các cụ đều đứng dậy chào và mời ngồi.

            Anh em tôi vái chào và xin ngồi ngòai này với anh em trẻ cho dễ nói chuyện, nhưng các cụ cố mời lên bàn trên.

            Trong khi tiệc, nhiều người ca tụng thuốc hay.

            Thưa các cụ(tôi), đó là dịp may của cậu mợ Huyền và phúc riêng của nhà cụ trùm đấy thôi ạ.

            Thế là từ đấy, tôi mang tên “thầy Lang Bể”, mà cái tiếng thuốc hay của thầy lang Bể cũng kéo dài và lan rộng theo chiều sông Thanh Hà và các làng trên đất ở vùng này.

            Trở về bè cụ Qũy, liên tiếp từ hôm ấy, khu nhà bè này, nào là bà già đau đầu, nào cô gái điều kinh, nào trẻ em đau bụng cảm nắng và sài kinh, bao nhiêu tôi điều trị cho khỏi cả mà chỉ cho thuốc, chẳng lấy xu nào.

            Sau mấy bữa, anh Ngân thu xếp nhổ bè xuôi nam. Tôi nói với anh: anh Ngân à! Thế là tôi nhờ anh tình cờ lên đất giáp ranh rừng núi này, ở đây người ta đơn sơ mộc mạc thật thà hợp với tôi nhiều. Tôi ở lại đây làm thuốc. Tôi nhờ anh về tới nhà, anh lên ngay nhà tôi (đừng chậm nhé)nói với hai cụ tôi là tôi ở lại đây làm thuốc vài ba tháng nữa mới về. Còn số tiền tôi đưa anh, anh cứ lấy mà buôn bán lấy lời.

            Anh Ngân vui vẻ ra về và hứa sẽ lên.

            PHƯƠNG THUỐC: Hòang Liên sống 3 đồng cân cắt nhỏ.

            Tôi sai người lấy niêu con. Tôi bỏ Hòang Liên vào, đổ một bát nước đầy đun sôi vài trấp. Tôi rót ngay một chén con, tôi đem cho cậu uống và nói với cậu đôi lời. Cậu uống khỏi cổ, thở phà rất dài một tiếng rồi nằm xuống nghỉ. Lát sau cho cậu uống hết chỗ thuốc đã sắc ấy. Cậu không đau nữa.

            Sắc luôn nước thứ hai cho cậu uống, cậu khỏi hẳn.

            SUY XÉT:bệnh anh này, chẳng phải đau bụng, cũng chẳng phai đau tim, chỉ là bệnh “tâm lý”.

            Nếu đau bụng nhiệt thống thì phải ngấc đầu lên, nhăn mặt nhăn mũi, hai tay phanh bụng ưỡn người ra và ít nhất cũng có ợ hơi vài cái chứ.

            Nếu đau tim là chân tâm thống hay quyết tâm thống thì đỏ mặt nhẩy chồm rồi người và tay chân lạnh, lát sau thâm đen, mấy tiếng đồng hồ sẽ chết.

            Tôi quyết đóan là bệnh về tâm lý, vì tôi được nghe câu chuyện kể trên. Tôi có cảm tưởng: tình trai trẻ hăng say, phải làm rể ba năm đằng đẵng đã là hãm phanh quá cỡ. Giờ đến ngày cưới, hy vọng sẽ hí hửng, mừng thầm với nhau. Đột nhiên lại hãm ba ngày nữa mới được gần nhau, mà trong nhà lại ăn uống linh đình như thúc dục và bạn bè lớp trẻ tủm tỉm cười thầm thì tâm tình bồng bột, không thể chịu đựng quá mức được nữa (nguyện dục bất hài).

            Tất nhiên đóm lửa đã lâu, đúng lúc thì phải bốc cháy, thiếu âm hỏa và quyết âm hỏa, hai cái hỏa tâm và can nó hiệp nhau, góp cái thèm muốn vào cái uất hận trồi lên mà nhẩy chồm chồm chứ có đau gì?

            Nay tôi đem hòang liên cho uống, đó là đem chất khổ hàn tả ngay vào tâm hỏa.

            Bệnh tâm lý, dùng thuốc tâm lý có phải là tâm lý chăng?

            Nguyện dục bất hài hiệp phẫn nộ mà tả tâm và can hỏa là đúng rồi, làm sao không mau khỏi.

            Thưa độc giả: một vị Hòang liên đem trị một bệnh “Kinh động đột xuất” của người thanh niên ở trên đất khách mới lạ, đối với tôi lại là kẻ mới vào nghề, kể ra tôi cũng có can đảm về trị liệu và cũng có ý thức về tâm lý nên tôi mới dám quyết đóan nhận lãnh để đi đến công hiệu thần tốc thì tôi cũng hãnh diện và tự hào phấn khởi về nghề nghiệp.

            Kể từ năm 1931 đến nay, tôi mới chính thức là thầy thuốc chuyên nghiệp.