Hôm nay 65
Hôm qua 125
Tuần này 788
Tháng này 2553
Tất cả 17098



Sách Xưa

Nạn Kinh từ nạn 1-10

Tác giả: Trần Nam Hoàn

Ngày Đăng: 26 : 04 : 2012

NẠN KINH

NẠN THỨ 1

Dịch nguyên văn

HỎI: 12 kinh đều có động mạch, mà lại chỉ xem ở chỗ thốn khẩu để quyết đoán bệnh của ngũ tạng lục phủ và tiên lượng được sự lành dữ sống chết là vì sao?

TRẢ LỜI: thốn khẩu là chỗ đại hội của mạch, là chỗ động mạch của kinh thiếu thái âm phế. Người ta bình thường một lần thở ra mạch đi được 3 thốn, một lần thở vào mạch đi được 3 thốn, một hơi thở hoàn chỉnh mạch đi được 6 thốn. Trong một ngày đêm người ta thở 13.500 hơi thở, thì mạch đi được 50 vòng khắp toàn thân. Thời gian đồng hồ chẩy nước xuống hết 100 khắc, thì vinh vệ ban ngày đi được 25 vòng, ban đêm đi được 25 vòng, thế là hết một chu kỳ, cho nên hết 50 vòng thì lại hội lại ở thốn khẩu của kinh thủ thái âm phế. Vì chỗ thốn khẩu là chỗ khởi đầu và cuối cùng của khí huyết ngũ tạng lục phủ tuần hoàn, cho nên xem mạch cần xem ở chỗ thốn khẩu.

            NHÂN XÉT: việc xem mạch của thời xưa là xem mạch ở 3 bộ phận trong toàn thân, như xem huyệt thái dương ở hai bên trán để xem khí ở đầu; huyệt nhĩ môn ở trước tai để xem khí của tai mắt, huyệt cự liêu ở hai bên má để xem khí ở răng miệng, huyet thái uyên để xem phế, huyệt thần môn để xem tâm, huyệt hợp cốc để xem khí ở lồng ngực, huyệt ngũ lý hoặc huyệt thái xung để xem can, huyệt cơ môn hoặc huyệt xung môn để xem tỳ, vị, huyệt thái khê để xem thận; nhưng từ khi có sự hướng dẫn của nạn này, thì việc xem mạch đều chỉ xem ở chỗ thốn khẩu trên cổ tay. Việc xem mạch ở chỗ thốn khẩu trên cổ tay là một sáng tạo lớn của nạn kinh., đã được áp dụng rộng khắp gần 2000 năm nay, và đã được mọi người đều công nhận là có giá trị thực dụng. Vì sao xem mạch ở chỗ thốn khẩu trên cổ tay lại có thể biết được tình hình sinh lý bệnh lý của nội tạng? Nguyên văn của nạn này đã nói rõ ràng:”thốn khẩu là chỗ đại hội của mạch, là điểm bắt đầu và cuối cùng trong vòng tuần hoàn của khí huyết toàn thân”. Nạn này nói như vậy là căn cứ vào sự hướng dẫn trong các thiên. “kinh mạch biệt luận”, “vinh vệ sinh hội”, “vinh khí”, “vệ khí hành” của sách nội kinh, muốn hiểu rõ ý của tác giả thì phải nghiên cứu kỹ nguyên văn của các thiên trên, nhưng có thể hiểu đại ý như sau: tất cả kinh mạch trong toàn thân đều có quan hệ mật thiết với phế, phế là nơi các mạch đều dồn đến, cho nên khi ngũ tạng lục phủ có bệnh khí huyết vận hành bị thất thường, thì có thể ảnh hưởng đến kinh phế mà phản ảnh ra ở chỗ thốn khẩu.

 

NẠN THỨ 2

Nguyên văn

HỎI: trên chỗ xem mạch có phân chia ra xích thốn là thế nào?

TRẢ LỜI: xích thốn là chỗ hội họp của kinh mạch, từ bộ quan đến huyệt xích trạch, là chỗ từ bộ xích vào trong, thuộc về âm khí quản lý, có thể xem biết sự biến hoá của âm khí trong cơ thể, từ bộ quan đến huyệt ngư tế là chỗ từ bộ thốn vào trong, thuộc về dương khí quản lý, có thể xem biết sự biến hoá của dương khí trong cơ thể. Cũng tức là nói từ chỗ huyệt ngư tế đến bộ quan là một thốn (đồng thân thốn) từ đó trở xuống là bộ xích, từ chỗ huyệt xích trạch đến bộ quan là một xích (10 đồng thân thốn) từ đó trở lên tức là bộ thốn, nhưng xem mạch ở chỗ thốn khẩu không cần đến độ dài như vậy, vì thế chỗ đặt tay lên để xem mạch, phần âm là một thốn ở trong xích từ bộ quan trở xuống, phần dương là 9 phân ở trong thốn từ bộ quan trở lên, chỗ bắt đầu và chỗ dừng lại, từ bộ xích đến bộ thốn cộng thành một thốn 9 phân, cho nên gọi là xích thốn.

            NHẬN XÉT: nạn này đã phân biệt rõ vị trí và thuộc tính âm dương ở chỗ thốn khẩu, lấy chỗ lồi cao ở xương quay định vị trí bộ quan, làm chỗ phân biệt ranh giới, trên bộ quan là dương, dưới bộ quan là âm, là căn cứ vào lẽ dường phù, âm trầm, dương trên âm dưới, lại căn cứ vào thuộc tính âm dương của nội tạng mà phân biệt vị trí của âm dương ở chỗ thốn khẩu, như tâm phế ở trên là dương ở vào bộ thốn, thận ở dưới là âm  ở vào bộ xích. Định rõ đước thuộc tính âm dương ở bộ thốn bộ xích thì có thể căn cứ vào từng bộ mà phán đoán được tình hình âm dương thịnh suy trong thân thể. Việc định được vị trí của bộ quan làm chỗ ranh giới để phân biệt âm dương, qua thực tiễn lâm sàng người sau cho là “ nạn kinh độc đắc kỳ bí”. (riêng nạn kinh đã tìm được sự bí ẩn). Ơ đoạn này còn nêu rõ độ dài của 3 thốn quan xích ở chỗ thốn khẩu là một thốn 9 phân, từ bộ quan lên chỗ ngư tế dài một thốn, thì lấy 9 phân trong thốn đó, từ bộ quan đến huyệt xích trạch dài một xích, thì lấy một thốn trong xích đó, vì thế gọi là xích thốn.

 

NẠN THỨ 3

Nguyên văn

HỎI: mạch đập có thái quá, có bất cập, có âm dương xâm lấn vào nhau, có phục có dật, có quan có cách là như thế nào?

TRẢ LỜI: bộ thốn ở trên bộ quan là chỗ dương khí kích động, hình mạch nên là dài 9 phân có hiện tượng phù, vượt quá 9 phân là mạch thái quá, không đủ chín phân là mạch bất cập, nếu âm khí thịnh quá làm cho mạch khí của bộ thốn vượt đến chỗ ngư tế mà ở bộ xích không có mạch thì gọi là mạch dật, mạch đó là vì dương khí bị đóng kín ở ngoài, âm khí ngăn cách ở trong mà gây nên, cũng tức là mạch âm thắng lấn vào dương. Bộ xích ở dưới bộ quan là chỗ âm khí kích động, hình mạch nên là dài một thốn mà trầm, vượt quá một thốn là thái quá, không đủ một thốn là mạch bất cập, nếu dươ8ng khí thịnh quá làm cho mạch khí ở bộ thốn hướng xuống chuyển vào bộ xích, mà ở bộ thốn lại không có mạch thì gọi là mạch phục, mạch phục là vì dương khí đóng kín ở phần trong, âm khí bị ngăn cách ở ngoài mà gây nên, cũng tức là mạch dương thắng lấn vào âm. Vì thế nói hiện tượng mạch phục (dồn xuống dưới) hoặc dật (tràn lên trên) đều là mạch chân tạng, người bệnh nếu không có chứng trạng gì rõ rệt cũng sẽ phải chết.

NHẬN XÉT: nạn này trình bày mạch xuất hiện trái thường là vì khí âm dương trong thân thể không hoà hợp nhịp nhàng với nhau, dương thái quá thì âm bất cập, âm thái quá thì dương bất cập tình hình ấy khi phát triển đến cực độ, khí âm dương bị trở cách thì có thể xuất hiện ra mạch phục mạch dật. Phục cũng như là vật ở trên đổ xuống. Dật cũng như là nước tràn lên, từ trong mà chẩy ra ngoài. Phục là mạch ở bộ thốn dời xuống bộ xích, nên bộ thốn không có mạch, dật là mạch ở bộ thốn thịnh quá xung lên chỗ ngư tế nên bộ xich không có mạch. Mạch như vậy là mạch chết, vì âm dương đã chia lìa nhau, nảy ra hiện tượng “cô dương” “độc âm”. Cô dương thì không có sinh, độc âm thì không có trưởng, không có sinh trưởng nữa thì tất nhiên phải chết.

 

NẠN KINH

NẠN THỨ 6

Nguyên văn

HỎI : Mạch có âm thịnh dương hư, dương thịnh âm hư như thế nào?

TRẢ LỜI: xem mạch đặt nhẹ tay thấy mạch yếu và nhỏ, ấn nặng tay xuống lại thấy có lực và to, thì đó là âm thịnh dương hư, ấn năng tay xuống thấy mạch nhỏ và yếu, nhấc nhẹ tay lên lại thấy có lực và to, thì đó là dương thịnh âm hư, như vậy tức là ý nghĩa của âm dương hư thực trong việc xem mạch.

NHẬN XÉT: nạn này hướng dẫn về cách phân biệt âm dương hư thực trong khi xem mạch là phải vận dụng cách đặt ngón tay nặng nhẹ kết hợp với sự nhận định về hình tượng của mạch, như đặt nhẹ tay xem phù thuộc phần dương, mạch to đẫy thuộc dương, thế là mạch dương chủ phần ngoài, đặt nặng tay xem trầm thuộc phần âm, mạch nhỏ yếu thuộc âm, thế là mạch âm chủ phần trong, cho nên đặt nhẹ tay thấy mạch to đầy, ấn nặng tay thấy mạch nhỏ yếu tức là dương thịnh âm hư, đặt nhẹ tay thấy mạch nhỏ yếu, ấn nặng tay thấy mạch to đầy, tức là âm thịnh dương hư.

 

NẠN THỨ 7

Nguyên văn

HỎI: trong y kinh nói: hình thái của mạch thái dương đến là không có quy tắc khi đại, khi tiểu, khi đoản, khi trường. Mạch dương kinh đến là phù đại mà hơi đoản, mạch thái dương đến là hồng đại mà hơi trường, mạch thái âm đến là khẩn đại mà trường, mạch thiếu âm đến khẩn tế mà vi, mạch quyết âm đến là trầm đoản mà nặng xuống, sáu thứ mạch ấy là mạch bình thường hay mạch bệnh?

TRẢ LỜI: những mạch như thế là mạch phù hợp với vượng khí của từng mùa.

HỎI: mạch vượng tương ứng với khí hậu từng mùa là ở vào những tháng nào? Đều vượng được mấy ngày.

TRẢ LỜI: bắt đầu từ ngày giáp tý sau tiết đông chí đến 60 ngày về sau, là thời kỳ vượng của khí thiếu dương sang ngày giáp tý lần thứ hai, đến 60 ngày về sau là thgời kỳ vượng của của khí dương minh; sang ngày thứ 3 đến 60 ngày về sau là thgời kỳ vượng của khí thái dương, sang ngày giáp tý lần thứ 4 đến 60 ngày về sau là thời kỳ vượng của khí thái âm, sang ngày giáp tý lần thứ 5 đến 60 ngày về sau là thời kỳ vượng của khí thiếu âm, sang ngày giáp tý thứ 6 đến 60 ngày về sau là thời kỳ vượng của khí quyết âm, mỗi khí vượng 60 ngày, 6 lần 60 là 360 ngày thành một năm. Đại khái ngày thời vượng của khí tam dương tam âm là như vậy.

NHẬN XÉT: ý nghĩa của nạn này là xuất xứ từ học thuyết vận khí, cho nên trong nạn này đã ra những từ như  Giáp Tý, đông chí, khí thiếu dương, dương minh,, thái dương, thái âm, thiếu âm, quyết âm, để nói về sự thích ứng của mạch với thời tiết. Chúng ta đều biết rằng sau tiết đông chí tức là ngày 22, 23 tháng 12 dương lịch trở về sau thì ngày cứ dài dần, đêm cứ ngắn dần, vì thế dương cứ thịnh dần âm cứ tiêu dần, cho nên bắt đầu từ ngày giáp tý sau tiết đông chí, trong 60 ngày đó là khí thiếu dương làm chủ, lúc bấy giờ dương khí còn yếu, âm khí chưa tiêu cho nên mạch khi dài khi to là xuất hiện cái dương, khi ngắn khi nhỏ là xuất hiện cái âm; 60 ngày của lần giáp tý thứ 2 là đến tháng 3 tháng 4 là thời kỳ khí dương minh làm chủ, thời kỳ này dương khí chưa toàn thịnh mà âm khí đã tiêu nhiều, cho nên mạch phù đại là dương, đoản là âm; 60 ngày của vòng giáp tý lần thứ 3 là đã đến mùa hạ, khí thái dương làm chủ lúc bấy giờ dương khí đã phát triển đến cực độ cho nên mạch hồng đại mà trường là dương khí toàn thịnh; sau ngày hạ chí âm khí bắt đầu sinh, từ đó âm tiến dương thoái đêm cứ dài dần mà ngày cứ ngắn dần, cho nên bắt đầu từ ngày giáp tý lần thứ 4 tức là thời kỳ cuối hạ đầu thu 60 ngày này là khí thái âm làm chủ, nhưng vì sau khi dương thịnh mùa hạ, âm khí còn ít chưa thịnh, cho nên mạch ở mùa này khẩn đại mà trường là âm ít dương nhiều; đến lần giáp tý lần thứ 5, 60 ngày này là cuối thu đầu đông, là thời kỳ khí thiếu âm làm chủ dương khí suy mà âm khí đã thịnh, cho nên mạch khẩn, tế, mà vi, 60 ngày trong vòng giáp tý lần thứ 6 là thới kỳ khí quyết âm làm chủ, âm khí đầy đủ phát triển đến cực độ; cho nên mạch trầm đoản mà hoà hoãn là âm khí toàn thịnh. Do đó có thể thấy các thứ mạch thuộc dương thuộc âm biểu hiện  ra ở 4 mùa là có quan hệ mật thiết với khí hậu biến hoá trong một năm, 2 chữ giáp tý trong nạn này là phù hiệu của người xưa để ghi năm tháng ngày giờ. Giáp đứng đầu 10 thiên can, tý đứng đầu 12 địa chi lấy 10 thiên can phối hợp với 12 địa chi, thì hết 60 ngày lại đến một vòng giáp tý gọi là hoa giáp, bắt đầu từ ngày giáp tý cho đến ngày qúy hợi là hết một vòng hoa giáp, tức là 60 ngày.

 

NẠN THỨ 8

Nguyên văn

HỎI: mạch thốn khẩu bình thường mà chết là vì sao?

TRẢ LỜI: tất cả 12 kinh mạch đều liên thuộc ở nguồn gốc của sinh khí nói là gốc rễ của 12 kinh, nói là động khí ở giữa thận, đó là gốc của 5 tạng 6 phủ, là rễ của 12 kinh mạch là cửa của sự hô hấp, là nguồn gốc của tam tiêu, có tên là thần chống đỡ bệnh tà. Vì thế khí là căn bản của người ta, rễ đã chết thì cành lá khô vậy. Mạch thốn khẩu bình thường mà chết, là vì sinh khí ở trong đã chết rồi.

NHẬN XÉT: mạch thốn khẩu ở đây là nói mạch bộ thốn ở chỗ thốn khẩu, chứ không phải nói cả 3 bộ thốn quan xích. Nguyên văn của nạn này là nhấn mạnh ý nghĩa của bộ xích, bộ xích thuộc thận, thận là nguồn gốc của chân âm chân dương, là cơ sở của vật chất và cơ năng của thân thể, nên gọi là nguồn sinhn khí, mỗi khi nguồn sinhnkhí không đủ hoặc sắp tuyệt thì sẽ xuất hiện mạch ở bộ xích suy vi hoặc không có mạch, ở tình hình ấy nếu như mạch ở bộ thốn vẫn chưa có hiện tượng khác thường thì vẫn là chết, vì rằng căn bản đã bị bại hoại.

 

NẠN THỨ 9

Nguyên văn

HỎI: lấy cái gì để phân biệt mà biết được bệnh tạng bệnh phủ?

TRẢ LỜI: mạch sác chủ bệnh ở phủ, mạch trì chủ bệnh ở tạng, sác là nhiệt , trì là hàn, những bệnh xuất hiện mạch dương phần nhiều là chứng nhiệt, xuất hiện mạch âm phần nhiều là chứng hàn. Vì thế có thể căn cứ  vào mạch trì, sác để phân biệt và suy đoàn là bệnh ở tạng ở phủ.

NHẬN XÉT: theo mạch để biện biệt mạch ở tạng ở phủ cũng là lấy âm dương để phân chia, phủ là dương cho nên mạch sác, tạng là âm cho nên mạch trì, mạch âm đi trì là chủ là chủ về bệnh ở tạng, mạch dương đi sác là chủ về bệnh ở phủ, mạch sác thuộc dương, một hơi thở mạch đập quá 6 lần là dương khí hữu dư, mạch trì thuộc âm một hơi thở mạch đập chưa được 4 lần, là âm khí hữu dư, thông thường là như vậy, nhưng trong thực tiễn lâm sàng thì không phải hoàn toàn như vậy, rất nhiều trường hợp bệnh ở phủ cũng có mạch trì, bệnh ở tạng cũng có mạch sác, cho nên việc chẩn đoán là phải kết hợp cả tứ chẩn, mà phải vận dụng linh hoạt, không nên hiểu một cách câu chấp máy móc.

           

NẠN THỨ 10

Nguyên văn

HỎI: mạch tượng của một tạng có 10 biến dạng, tình hình cụ thể của nó là như thế nào?

TRẢ LỜI: đó là vì bệnh tà của 5 tạng 5 phủ đều theo vào quan hệ đồng khí tương cầu, dương cương, âm nhu truyền biến lẫn nhau mà sinh ra biến dạng. Ví dụ như mạch tâm rất cấp là bệnh tà ở can xâm phạm đến tâm, mạch tâm hơi cấp là bệnh tà ở đởm xâm phạm vào tiểu trường. Mạch tâm rất to là bệnh tà của tâm xâm phạm vào tâm, mạch tâm hơi to là bệnh tà ở tiểu trường tự xâm phạm vào tiểu trường, mạch tâm rất hoãn là bệnh tà của tỳ xâm phạm đến tâm, mạch tâm hơi hoãn là bệnh tà của vị xâm phạm vào tiểu trường, mạch tâm rất sáp là bệnh tà của phế xâm phạm vào tâm, mạch tâm hơi sáp là bệnh tà của đại trường xâm phạm vào tiểu trường mạch tâm rất trầm là bệnh tà của thận xâm phạm vào tâm, mạch tâm hơi trầm là bệnh tà của bàng quang xâm phạm vào tiểu trường. Vì ngũ tạng đều có quan hệ bệnh tà của tạng phủ truyền biến lẫn nhau, cho nên mạch tượng của mỗi tạng thường có thể xuất hiện 10 thứ biến dạng.

NHẬN XÉT: chữ tà ở đây là nói chung về các nhân tố gây bệnh, bệnh tà của 5 tạng 5 phủ nói chung là ngũ tà, chữ cương nhu ở đây là chỉ về 2 phương diện âm dương, dương là cương, âm là nhu, như phủ thuộc dương là cương, tạng thuộc âm là nhu, tạng bệnh truyền cho tạng, phủ bệnh truyền cho phủ đó là theo quan hệ dương cương âm nhu, đồng khí tương cầu mà truyền biến lẫn nhau. Nạn này theo trong quá trình bệnh biến của 5 tạng, mạch của mỗi tạng sẽ theo vào ảnh hưởng tuyền biến lẫn nhau của bệnh tà các tạng phủ mà xuất hiện ra 10 dạng, ở đây lấy tạng tâm làm ví dụ nói rõ tình hình cụ thể của một mạch 10 biến dạng. Nhận xét đại khái thì sự biến hoá của 10 loại mạch là rắc rối phức tạp nhưng nếu nắm vững được các quy luật trong đó sẽ dễ hiểu và phân biệt được, vì rằng mỗi tạng đều có biểu lý với một phủ, bệnh tà truyền biến chủ yếu từ quan hệ ấy mà ra, mà mạch tượng của mỗi tạng đều có đặc trưng riêng , như can mạch cấp, tâm mạch đại, tỳ mạch hoãn, phế mạch sáp, thận mạch trầm. Khi một tạng với một phủ biểu lý của nó bị tà thì sẽ xuất hiện ra mạch tượng riêng của nó. Lấy ví dụ của nạn này về bệnh tâm mà nói :”tâm với tiểu trường là biểu lý, tâm mạch là đại, cho nên tâm mạch đại thậm là bệnh tà của tâm trị xâm phạm vào tâm, tâm mạch hơi đại là bệnh tà của tiểu trường xâm phạm vào tiểu trường; cứ như thế mà suy ra thì những biến dạng khác cũng đều là chiếu theo quan hệ biểu lý của mỗi tạng phủ, rồi căn cứ vào lẽ đồng khí tương cầu, tạng bệnh truyền tạng, phủ bệnh truyền phủ và nguyên tắc tạng bệnh mạch thận, phủ bệnh mạch vi (hơi) mà xuất hiện, như can với đởm là biểu lý, khi tâm bị can tà xâm phạm rồi, thì tiểu trường là phủ biểu lý với tâm tất nhiên cũng bị đởm tà xâm nhập, vì mạch can là huyền cấp, cho nên bệnh can xâm phạm đến tâm thì mạch tâm sẽ cấp thậm, nếu tâm mạch hơi cấp là bệnh tà của đởm xâm phạm vào tiểu trường. Do đó có thể thấy mạch của một tạng xuất hiện ra mười biến dạng, chủ yếu tức là bệnh tà của 5 tạng 5 phủ theo vào quan hệ biểu lý rồi xâm tập truyền biến lẫn nhau mà gây ra.