Danh Y Trung Quốc

Đào Hoằng Cảnh
Nhà y dược học kiệt xuất
ĐÀO HOẰNG CẢNH
Nhà y dược học kiệt xuất
Đào Hoằng Cảnh là nhà y dược học kiệt xuất giữa thời Nam Bắc Triều của Trung Quốc, tự Thông Minh, biệt hiệu rất nhiều: Hoa Dương Chân Dực, Hoa Dương Đào Ẩn, Hoa Dương Ẩn Cư, Hoa Dương Chân Nhân…(*) sinh vào năm thứ 3 (năm 452) Tống Hiếu Kiện, mất năm thứ 2 (năm 536) Đại Đồng Lương Võ đế, hưởng thọ 85 tuổi. Cuộc đời của ông sống qua ba trào Tống -Tế – Lương.
Thời niên thiếu, Đào Hoằng Cảnh đã có trí thông minh hơn người, thích đạo thuật, thân cao bảy thước (một thước 30 cm), tuấn tú, thích đọc sách, các bộ sách Thiên văn, Lịch pháp, Bác vật, Toán học, Địa lý, Y thuật. Không một cái nào bỏ sót và rất thông hiểu, thích ngâm thơ, chơi cờ còn giỏi về thư pháp hội họa. “Tác phẩm siêu việt, bút pháp rõ ràng” đó là lời bình của Trương Sửu, nhà phê bình văn nghệ thời Minh.
Thời Nam Tề, có một thời gian ngắn ông làm quan. Nhưng sau này do ảnh hưởng của nhà y học tiền bối Cát Hồng, ông từ bỏ con đường làm quan, chuyển hướng sang con đường y học. Ông ẩn cư tại núi Cú Khúc, thuộc Cú Dung, dành hết tâm huyết nghiên cứu y học để cứu bá tánh.
Lương Võ đế Tiêu Diễn mấy lần mời ông ra giúp triều đình, đều bị ông từ chối, nghe nói có một lần bị bức quá, Đào Hoằng Cảnh lấy bút vẽ bức tranh để biểu thị. Ông vẽ hai con trâu, một bức ông vẽ con trâu sống giữa đồng, bộ dạng rất ung dung tự tại, còn bức tranh kia, trâu đội mũ Kim long, bị người chăn trâu cầm chiếc roi quất vào. Lương Võ đế xem xong đã hiểu ý và thái độ kiên quyết của Hoằng Cảnh, từ đó về sau không còn bức bách ông nữa. Ông ẩn tại núi Cú Khúc hơn 40 năm, nhiều biệt hiệu chính từ nơi đây ra.
Cống hiến to lớn của ông chính là đối với quyển “Thần Nông Bản Thảo Kinh”, sau khi được ông nghiên cứu tra xét chứng cứ, ông cho rằng đây là quyển sách trước thời Hậu Hán, còn bản gốc “Thần Nông Bản Thảo Kinh” truyền đến thời Nam Bắc triều do nhiều tay sao chép, nên sai sót rất nhiều. Vì vậy ông hạ quyết tâm tu sửa lại. Muốn tu sửa một bộ sách không phải là chuyện dễ, phải có kiến thức dồi dào về dược và kinh nghiệm lâm sàng. Đào Hoằng Cảnh không sợ khó khăn, bỏ ra cả đời tâm huyết. Cuối cùng ý nguyện của ông đã thành hiện thực. Ngoại trừ tu chữa lại 365 vị thuốc trong “Thần Nông Bản Thảo Kinh” ra, ông còn căn cứ vào các thứ thuốc mà các thầy thuốc thời bấy giờ thường dùng cùng kinh nghiệm lâm sàng của bản thân. Thêm vào 365 vị thuốc khác, biên soạn ra 7 quyển “Bản Thảo Kinh Tập Chú”, đóng góp rất lớn cho bản thảo học.
Điều đáng nói về phương diện dược liệu phân loại học, Đào Hoằng Cảnh có biệt tài độc đáo hơn người ở chỗ đưa 730 loại dược vị (tức mùi thuốc), theo nguồn gốc tự nhiên qui thành 7 nhóm lớn, gồm có: Ngọc thạch, Thảo mộc, Trùng ngư, Cầm thú, Rau quả, Mễ cốc loại và có tên mà không dùng. Căn bản đã đạt được mục đích chia theo loại nhóm, ranh nào vật nấy. Phương pháp phân loại này thật sự đã hướng dẫn phân loại theo tính chất dược liệu cho hậu thế sau này, có ảnh hưởng sâu xa tới dược liệu học, bộ sách kinh điển đầu tiên về dược liệu học của Trung Quốc “Đường Tân Tu Bản Thảo” cũng căn cứ theo phương pháp này phân loại.
Đào Hoằng Cảnh đối với dược liệu có nhãn quang xét đoán rõ ràng như tách biệt giữa Xích truật và Bạch truật. Ông nói:
- Truật có 2 loại, Bạch truật lá to, bề mặt có lông nhung, có nhánh, rễ ngọt mà ít nhựa, có thể bào chế hoàn tán để sử dụng. Còn Xích truật lá nhuyễn không có nhánh, rễ nhỏ, vị đắng mà nhựa nhiều, có thể nấu thành chất cao để dùng.
Ông còn đề xuất phải lấy lâm sàng làm chính để nghiên cứu dược vị, như khi ông tiến hành giám định “Cam thảo” đã nói: “Mùi vị vừa ngọt vừa đắng của nó có thể nếm được, có độc hoặc không có độc cũng dễ biết, chỉ có nóng lạnh phải thấu hiểu”. Điều này trong điều kiện lịch sử thời bấy giờ phải nói là sự sáng tạo đối với nhận thức.
Đối với bào chế dược, ông cũng gợi ý dùng mật ong bào chế thuốc. Ông nói: phàm dùng mật ong trước tiên phải cho vào lửa nấu trước, sau đó vớt bọt ra, trông thấy nó có màu hơi vàng, thì thuốc hoàn bào chế ra mới giữ được lâu, tư liệu này thật quí báu chỉ dẫn phương pháp bào chế dược cho hậu thế.
Về dược liệu hóa học, Đào Hoằng Cảnh cũng có công đóng góp to lớn. Trong bộ “Bản Thảo Kinh Tập Chú” cũng phản ánh điều này. Ví dụ nói: Thủy ngân hóa thành Kim ngân, sẽ thành nê (tức thành cao). Căn cứ giám định của hóa học hiện đại, Thủy ngân xác thực cùng với một loại kim loại nào đó chế thành hợp kim, tức là hổng tể (thuốc thủy ngân). Ông còn chỉ rõ căn cứ theo màu sắc của ngọn lửa phân biệt tiêu thạch và tiêu thủy (Acid Nitrique), chỉ ra đặc điểm của tiêu thạch khói bốc lên là màu xanh tím, còn tiêu thủy thì không có màu, điều này so với thời hiện đại lấy khói để phân tích kết luận cơ bản giống nhau. 1400 năm trước đã làm được vậy. Đào Hoằng Cảnh và Cát Hồng đều thật đáng nể.
Đào Hoằng Cảnh ngoài trước tác “Bản Thảo Kinh Tập Chú” ra, còn “Chẩu Hậu Bách Nhất Phương” 3 quyển, bổ sung sau quyển “Chẩu Hậu Cấp Yếu Phương” của Cát Hồng, “Hiệu Nghiệm Thi Dụng Dược Phương” 5 quyển, “Tập Kim Đan Dược Bách Yếu Phương” 1 quyển, “Phục Vân Mẫu Chư Thạch Tiêu Hóa Tam Thập Lục Thủy Pháp” 1 quyển, “Phục Thảo Mộc Tập Dược Pháp” 1 quyển, “Đoạn Cốc Bí Phương” 1 quyển, “Linh Phương Bí Áo” 1 quyển. Đáng tiếc đều đã that lạc.
Trích sách “Những câu chuyện Trung Hoa xưa Danh Y phần 2” của Nhà xuất bản Trẻ.