Hôm nay 16
Hôm qua 125
Tuần này 739
Tháng này 2504
Tất cả 17049



Bệnh án nay

Tào Tháo

Tác giả: TRẦN NAM HOÀN

Ngày Đăng: 07 : 06 : 2012

TÀO THÁO NHỜ BỊ CHỬI MÀ HẾT BỆNH

Thông thường khi bị xúc phạm đến danh dự hay thân thể của mình, người ta phản ứng bằng sự giận dữ, dù biểu lộ ra ngoài hay nén uất bên trong thì sự giận dữ luôn gây xáo trộn mạnh mẽ về tâm lý và làm rối loạn hoạt động sinh lý, tạo ra nhiều loại bệnh như cao huyết áp, loét dạ dày mất ngủ, loạn nhịp tim, tiểu đường ….. được coi là hậu quả của stress.

Thế nhưng vẫn có trường hợp bị mắng chửi thậm tệ mà người ta lại khỏi bệnh. Đó là những điều hãn hữu mà Y Học Cổ Truyền đã nêu ra như một liệu pháp điều trị.

            Thời Tam Quốc, Triều Đại Kiến An ở Trung Quốc , Tào Tháo (155-220) giữ chức Thừa Tướng, là một vị tướng có tài mưu lược , một nhà chính tị tài năng, và cũng là một con người tài hoa trong lãnh vực văn chương thi phú . việc làm của ông và những thế lực chống đối đã coi Tào Tháo như một tay gian hùng đại ác. Vì quá lo nghĩ giải quyết nhiều vấn đề đại sự nên Tào Tháo bị mang chứng bệnh đau đầu, dù được nhiều danh y chữa trị mãi vẫn không lành.

            Thời đó có ông Trần Lâm một nhà thơ nổi tiếng , được liệt vào “Kiến An Thất Tử" , làm quan văn cho Viên Thiệu. Trần Lâm đã viết thay cho Viên Thiệu một bài hịch có nội dung vừa hạch tội Tào Tháo vừa đề cao công đức của Viên Thiệu. Trong phần lên án Tào Tháo có những đoạn Trần Lâm đã viết như sau:

            “Tư Không là Tào Tháo, ông nó, Trung Thường Thị tên là Đằng, cùng với bọn tả quan, từ hoàng một tuồng yêu quái, tham lam rông rỡ, nát đạo hại dân. Bố nó là thằng Tung, đi ăn mày đem về nuôi, nhân có được chức vị, xe vàng khiêng ngọc, đến nộp cửa quyền, trộm giữ ngôi đỉnh tư, nghiêng đổ đồ trọng khí.

            Đến nó là thằng tháo, nòi giống sót của dân đi ở, cùng anh quan thiến, chẳng được nết na gì ra tuồng , tai quái sắc mắc, mong sự loạn, vui sự vạ.

            Thế mà Tháo nó nhân được thế, sứa vượt qua đăng, hung hăng bạo ác, tàn dân hại người hiền. Thái Thú Cửu Giang là biện phương, tài cán giỏi giang, thiên hạ biết tiếng, nói thẳng mặt ngay, không a siểm với ai, mà nó cũng hại người ta, đầu thây phải bêu treo, vợ con phải bị tàn giết.

            Từ đó rừng kẻ sĩ ai cũng tức tối, nhân dân lại càng oán lắm.

            Thế mà nó làm rông rỡ làm càn, hiếp vua dời ra chỗ khác, khinh lờn vua, nát pháp loạn kỷ, ngồi giữ việc cả ba toà, chuyên quyền triều đình,muốn thưởng cho ai thì thưởng, muốn giết ai thì giết. Yêu ai thì người ấy sung sướng đến cả năm ngành, ghét ai tì người ấy phải chết ba họ. Ai ngồi bàn với nhau phải tội rõ ràng, ai nói vụng chê baicũng phải nó giết hại ngấm ngầm.

            Vì thế trăm quan phải bịt miệng, đường xá phải đưa mắt cho nhau. còn như thượng thư thì ký vào buổi triều buổi hội, công khanh thì chỉ gọi là có đầu người đó thôi.

            …. Thân nó ở vào ngôi tam công, mà làm cái thói trộm cướp, nhơ cả nước,khổ đến dân, hại đến người đã chết. Vả lại chính sự của nó tế toái khảm khắc, điều luật bày ra thật nhiều, dò bẫy đầy cả khe, hang hố lấp cả đường, giơ tay mắc phải lưới, đụng chân mắc phải cạm, cho nên ở duyện, dự có những dân buồn rầu, kinh đô có những lời rền rẫm.

            Xem hết cả sử  sách xưa nay, những kẻ làm tôi vô đạo, tham tàn ác nghiệp, đến thằng Tháo này là cùng”. ( theo Tam Quốc Chí của La Hán Trung, Phan Kế Bính dịch, nhà xuất bản văn học năm 1995).

            Tào Tháo nghe đọc tờ hịch xong, rùng mình sởn tóc, mồ hôi toát ra như tắm, cơn nhức đầu tự nhiên biến  mất, liền nói với tướng rằng:

  • Giả sử võ của Viên Thiệu cũng tài bằng văn của Trần Lâm thì ta cũng kinh!

Qua câu chuyện trên, ông Mao Tôn Cương có lời bàn rằng: “nếu Tào Tháo xem hịch mà lại mắng Trần Lâm thì đã chẳng phải Tào Tháo “.

Về sau khi thắng được Viên Thiệu, bắt sống Trần Lâm, và nói: “ mày làm hịch cho Viên Thiệu, thì cứ kể tội tao ra mà thôi, sao lại dám nói nhục cả ông cha tao nữa?”.

Tuy tả hữu khuyên nên giết bỏ Trần Lâm nhưng Tào Tháo vì trọng tài nên tha tội chết cho làm tùng sự.

Đúng là nhờ bị chửi mắng thậm tệ mà hết bệnh!

Trong sách Nam Dược Thần Hiệu, Tuệ Tĩnh Nguyễn Bá Tĩnh ( được coi là tổ nghề thuốc Việt Nam) có kể câu chuyện :

Xưa có một Giám Quân, vì lo nghĩ sinh bệnh, ngực tức cứng, cơm cháo không nuốt vào được. Người con mời quan thái y là hách doãn về chữa bệnh cho cha. Hách doãn bảo: “ bệnh này không lừa cho kinh sợ thì khó mà chữa được !” thời ấy có ông Lý Tống Khanh làm Quan Ngự Sử, ngay thẳng nghiêm chính, thường ngày ông Giám Quân rất sợ ông ngự sử này. Người con bèn tới nhà ông ngự sử Lý Tống Khanh khóc lóc cầu cứu . ông Khanh nhận lời, đến nhà làm vẻ bừng bừng tức giận, kể tội trách mắng ông Giám Quân. Ông Giám Quân nghe trách mắng, run sợ hãi hùng, mồ hôi toát đầy lưng, chốc lát sau bệnh chứng đều tiêu tan”.

Tuệ tĩnh nhận xét : “ bởi vì lo nghĩ khí kết lại, kinh sợ thì khí nổi lên, khí nổi lên thì thoát ra ngoài, trong người trở nên nhẹ nhõm”.

Đời Kim, Nguyên, có ông Chu Đan Khê ( 1281-1358) tức Chu Tấn Hanh, nổi danh là thầy thuốc giỏi, được liệt vào hàng “tứ đại danh y” thời đó. Một hôm nọ ông nhận khám bệnh cho một người phụ nữ suốt ngày chỉ nằm quay mặt vào vách tường, không ăn không nói ly bì như người ngây dại.

Hỏi ra thì biết người phụ nữ này mới về nhà chồng ít lâu, người chồng đi buôn bán phương xa đằng đẵng hai năm biệt vô âm tín. Ông nói:

-Đây là bệnh phát sinh bởi lo nghĩ ngày đêm, nhớ chồng quá độ, làm cho khí kết tại tỳ, không chỉ thể đơn thuần dùng thuốc mà chữa được. Chỉ có “sự mừng vui” mới có thể giải được bệnh “kết” đó. Nếu không có gì làm cho mừng được thì phải làm cho “giận”. Tỳ chủ về “ tư” ( lo nghĩ). Tư lự quá độ, tỳ khí kết lại làm ra chứng không ăn được. “giận” thuộc can mộc (mộc khắc tỳ thổ). Giờ làm cho giận thì can khí sẽ bốc lên mạnh. Xâm phạm lên tỳ thổ, tức là mộc năng sơ thổ…. Chứng kết ở tỳ nhờ đó mà khai tiết ( mở để thoát ra ).

Người bố chồng nghe lời liền kiếm cớ quở mắng nàng dâu thật thậm tệ, đồng thời lại tát cho nàng mấy cái. Nàng dâu kêu khóc luôn 2,3 giờ, người nhà phải dỗ dành, khuyên bảo mãi mới chịu nín. Thưà lúc đó ông Đan Khê mới cắt cho một thang giải uất, bệnh giảm nhẹ ngay, sau đó biết đòi ăn và ăn rất ngon lành.

Đan Khê bảo ông bố chồng:

Tư khí (cái khí phát sinh bởi sự lo nghĩ) tuy đã được giải, nhưng cần phải được “ mừng “ thì bệnh thế mới khỏi tái phát.

May sao 3 ngày sau đó người chồng trở về, bệnh của người phụ nữ từ đó khỏi hẳn.

Sách Hoàng Đế Nội Kinh có viết: “ mừng quá hại tâm thì lấy sợ hãi mà chữa. Giận quá hại gan thì lấy thương cảm mà chữa. Tư lự quá hại tỳ thì lấy giận mà chữa. Bi ai quá hại phế thì lấy mừng mà chữa. Sợ hãi quá hại thận thì lấy tư lự mà chữa”.

Chẳng biết các thầy thuốc ngày nay suy nghĩ thế nào về việc dùng cách “ chửi bới người ta “ để trị bệnh như mấy câu chuyện kể trên.?*

HẠNH LÂM