Hôm nay 135
Hôm qua 113
Tuần này 581
Tháng này 3694
Tất cả 14050



Sách Xưa

Nạn Kinh từ nạn 11-20

Tác giả: Lương Y Trần Nam Hoàn

Ngày Đăng: 26 : 04 : 2012

NẠN THỨ 11

Nguyên văn

HỎI: trong y kinh nói : mạch đập chưa đầy 50 lần nhảy động đã dừng lại một lần là biểu hiện một tạng không có sinh khí, đó là chỉ vào tạng nào?

TRẢ LỜI: người ta khi hít khí vào là theo vào tác dụng nạp khí của can thận ở hạ tiêu mà đi sâu vào trong, khi thở khí ra là thông qua tác dụng hành khí của tâm phế ở thượng tiêu mà bài xuất ra ngoài. Nay khi hít vào không thấu xuống đến thận là chỗ dưới nhất, chỉ đến can quày trở lại, cho nên biết một tạng không có khí, tức là sinh khí của thận ở trong đã suy kiệt trước rồi.

NHẬN XÉT: nạn này nói mạch đập 50 lần, có một lần dừng lại là thuộc về tạng khí suy kiệt không theo được khí của các tạng khác mà đi lên, cho nên trong 50 lần động có một lần dừng lại, ở nạn này còn nói lên sự quan hệ giữa nội tạng với hô hấp và mạch đập. Theo sự nhận biết của người xưa thì một lần thở ra , một lần hít vào tức là một hơi thở, mạch của người bình thường đập 5 lần, do từ dưới đưa lên mà có thở ra, đưa lên và thở ra đều là thuộc tính của dương, tâm phế ở thượng tiêu thuộc về phần dương, cho nên thở ra thuộc tâm phế, do từ trên đưa xuống mà có hít vào, đưa xuống và hít vào đều là thuộc tính của âm, can thận ở hạ tiêu thuộc phần âm cho nên hít vào là thuộc can thận.

 

NẠN THỨ 12

Nguyên văn

HỎI: trong y  kinh nói: hiện tượng mạch của ngũ tạng biểu hiện ra ở phần trong đã hư tuyệt mà thầy thuốc khi châm chữa lại dùng phép bổ làm đầy cho phần ngoài, hiện tượng mạch ngũ tạng biểu hiện ra là phần ngoài đã hư tuyệt mà thầy thuốc khi châm chữa lại dùng phép bổ làm cho đầy ở phần trong, nói tình hình hư tuyệt ở phần ngoài với phần trong thì phân biệt như thế nào?

TRẢ LỜI : mạch khí của ngũ tạng ở phần trong đã hư tuyệt rồi, là chỉ vào khí can thận thuộc âm đã hư tuyệt ở phần trong, thì cách chữa nên bổ âm là chính, mà thầy thuốc lại bổ thêm cho hai tạng tâm phế thuộc dương. Mạch khí của ngũ tạng ở bộ phận ngoài đã hư  tuyệt là chỉ vào khí tâm phế đã hư tuyệt ở phần ngoài, thì cách chữa nên bổ dương là chính, mà thầy thuốc lại bổ hai tạng can thận thuộc âm, tạng thuộc dương đã hư tuyệt lại bổ vào tạng âm không hư, giúp thêm âm thì dương càng kiệt; tạng âm đã hư tuyệt, lại bổ vào tạng dương không hư, giúp thêm dương thì càng tốn hao âm, như vậy tức là nói làm thực thêm chổ đã thực, làm hư thêm chổ đã hư, hoa tổn phần không đủ, bổ ích phần có thừa, như vậy mà đến chỗ chết, thì tức là vì thầy thuốc đã chữa nhầm mà gây nên.

NHẬN XÉT: ở nạn này có hai ý chính:

  1. Nói rõ mạch hư ở trong mà thầy thuốc lại làm thực ở ngoài, mạch hư ở ngoài mà thầy thuốc lại làm thực ở trong đó là không căn cứ tình hình hư thực ở trong và ngoài thì chữa sẽ sai nguyên tắc, thành ra đã hư lại làm thêm hư, đã thực lại làm cho thêm thực.
  2. Xem ở phù để biết khí của tâm phế, xem ở trầm để biết khí của can thận, tâm phế chủ ở ngoài, can thận chủ ở trong, cho nên theo ở mạch có thể biết được bệnh tình hư ở phần ngoài hay hư ở phần trong, ví dụ như mạch phù hư đè vào như không có mạch, thế là âm khí hư tuyệt ở trong, mạch trầm vi để nhẹ tay không thấy mạch thế là dương khí hư tuyệt ở ngoài. Vì sao lại nói can thận chủ ở trong tâm phế chủ ở ngoài, vì can tàng huyết chủ gân, thận tàng tinh chủ xương, gân xương đều ở vào tầng sâu hơn cho nên can thận chủ ở phần trong, tâm chủ về huyết mạch, phế chủ về da lông, da lông huyết mạch đều ở về tầng nông hơn, mà vinh vệ khí huyết thuộc với tâm phế đều đi ở khoảng da thừa huyết mạch, cho nên tâm phế chủ ở phần ngoài.

 

NẠN THỨ 13

Nguyên văn

HỎI: trong y kinh nói: xem màu sắc xuất hiện ở người bệnh mà không được mạch tương ứng, mà thấy mạch tương thắng thì chết, nếu thấy mạch tương sinh thì bệnh sẽ khỏi, xem sắc xem mạch cần tham hợp lại, xem có tương ứng hay không, điều này trên lâm sàng vận dụng như thế nào?

TRẢ LỜI: ngũ tạng có năm khí sắc khác nhau, đều có thể xuất hiện ra ở mạch, nhưng còn cần phải có sự thích ứng với mạch ở thốn khẩu và màu sắc ở chỗ xích phu. Ví dụ như  mặt xuất hiện màu xanh, thì mạch nên huyền và hơi cấp, xuất hiện màu đỏ, thì mạch nên phù đại mà hơi tán, xuất hiện màu vàng thì mạch nên trung hoãn mà hơi to, xuất hiện màu trắng thì mạch nên phù sáp mà hơi ngắn, xuất hiện màu đen thì mạch nên trầm nhu mà hơi hoạt. Như vậy tức là nói tình hình sắc và mạch của ngũ tạng có sự tương ứng. Mạch đến nhanh gấp da ở chỗ xích phu cũng nóng lên; mạch đến cấp xúc da chỗ xích phu cũng hiện ra căng căng cấp; mạch đến thong thả da chỗ xích phu cũng hiện ra thư giãn, mạch có hiện tượng sáp trệ da chỗ xích phu cũng hiện ra sáp trệ, mạch hoạt lợi da chỗ xích phu cũng hiện ra trơn lợi.

            Ngũ tạng đều có thanh sắc, mùi, vị riêng, nhưng cần có sự tương ứng với mạch ở thốn khẩu và màu sắc ở chỗ xích phu, nếu không tương ứng tức là có bệnh, giá như mặt xuất hiện sắc xanh, mà mạch lại phù sáp hơi hoãn, hoặc là đại (to) hơi hoãn, đều là mạch tương khắc. Nếu thấy mạch phù đại mà hơi tán hoặc mà nhỏ mà hơi hoạt, thì đều là mạch tương sinh. Ơ nội kinh có nói: khi xem xét 3 phương diện sắc, mạch, xích phu, người chỉ hiểu được một trong ba thứ, thì gọi là hạ công (thầy thuốc kém) hiểu được hai trong ba thứ thì gọi là trung công (bực trung bình) người biết phối hợp cả ba thứ lại mà chẩn đoán thì gọi là thượng công (thầy thuốc giỏi). Hiệu quả chữa bệnh của thượng công chữa mười người có thể khỏi 9 người, trung công chữa mười người có thể khỏi 7 người. Hạ công thì chữa mười người thì có thể khỏi 6 người. Những điều đó tức là nói về việc vận dụng cách chẩn đoán ở trên.

            NHẬN XÉT: nạn này là căn cứ vào quy luật tương sinh tương khắc của ngũ hành, thông qua việc chẩn đoán kết hợp giữa các phương diện sắc, mạch, xích phu cùng với thanh âm, mùi vị mà kết luận bệnh thuận hay nghịch, nặng hay nhẹ, tương sinh là thuận là nhẹ, tương khắc là nghịch là nặng. Đây là một cách chẩn đoán khá phiền phức, ít được áp dụng đầy đủ trên lâm sàng. Có thể quy nạp thành bản tóm tắt như sau để tiện việc tham khảo.

Sự tương ứng giữa thanh, sắc, mùi, vị thuộc ngũ tạng, với mạch và xích phu.

 

Ngũ tạng

Can

Tâm

Tỳ

Phế

Thận

Ngũ hành

Mộc

Hoả

Thổ

Kim

Thủy

Ngũ thanh

Tiếng to

Cười

Ca

Khóc

Rên

Ngũ xú

Hôi

Khét

Thơm

Tanh

Thối

Ngũ vị

Chua

Đắng

Ngọt

Cay

Mặn

Sắc mạch tương ứng

Sắc

Xanh

Đỏ

Vàng

Trắng

Đen

Mạch

Huyền  mà cấp

Phù đại mà hoạt

Hoãn mà đại

Phù sáp mà đoản

Trầm nhu mà hoạt

Mạch xích phu tương ứng

Mạch

Cấp

Sác

Hoãn

Sáp

Hoạt

Xích phu

Da căng căng

Da nóng ấm

Chùng chùng

Sáp trệ rít chặt

Trơn lợi

 

            Theo bảng trên thì các phương diện thanh âm, mùi vị, sắc mạch, xích phu đều có sở thuộc với ngũ hành và ngũ tạng, khi chẩn đoán, theo sự biểu hiện trên lâm sàng của các phương diện này thì có thể biết được tương sinh hay tương khắc, rồi từ đó mà kết luận bệnh thuận hay nghịch nặng hay nhẹ.

 

NẠN THỨ 14

Nguyên văn

HỎI: mạch có hiện tượng tốn và chí là như thế nào?

TRẢ LỜI: mạch chỉ có phân biệt thành mấy loại hình dưới đây: trong một thời gian hơi thở ra, mạch đập hai lần đó là mạch bình thường đó là mạch bình; nếu một hơi thở ra mạch đập 3 lần là đã ly khai tiêu chuẩn mạch đập bình thường gọi là ly kinh; một hơi thở ra mạch đập 4 lần là biểu hiện tinh khí đã hao mất, gọi là đoạt tinh, một hơi thở ra mạch đập 5 lần phần nhiều tiên lượng là không tốt, gọi là mạch chết, một hơi thở ra mạch đập 6 lần là biểu hiện sinh mệnh đã tuyệt, gọi là mệnh tuyệt, những điều trên tức là hiện tượng mạch chí. Còn về mạch tổn thì như thế nào? Trong thời gian một hơi thở ra mạch đập một lần là đã ly khai mạch đập tiêu chuẩn bình thường, gọi là ly kinh, thgời gian hai lần thở ra mạch đập một lần là biểu hiện tinh khí đã bị suy hao gọi là đoạt tinh, thời gian 3 lần thở ra mạch đập 1 lần phần nhiều tiên lượng là không tốt, gọi là mạch chết, thời gian 4 lần thở ra mạch đập một lần là biểu hiện khí huyết đã hết, tạng bại thần mất, sinh mệnh sắp tuyệt gọi là mệnh tuyệt. Những điều trên là hiện tượng của mạch tốn. Mạch chí gây ra bệnh là do thận truyền lên đến phế, là trì dưới truyền lên trên, mạch tốn gây ra bệnh là do phế truyền xuống đến thận là từ trên truyền xuống.

HỎI : bệnh chứng của mạch tổn là như thế nào?

TRẢ LỜI: chứng trạng một lần tổn xuất hiện ở bì mao do phế làm chủ, chủ yếu là da nhăn nheo, lông tóc rụng, chứng trạng của hai tổn xuất hiện ở huyết mạch do tâm làm chu, chủ yếu là huyết mạch hư suy không đủ, không vận hành được bình thường để nuôi dưỡng cho ngũ tạng lục phủ, chứng trạng của 3 tổn, xuất hiện ở cơ nhục do tỳ làm chủ, chủ yếu cơ bắp gầy róc những thứ dinh dưỡng trong thức ăn không phân bố khắp đến cơ bắp da dẻ, để làm cho da thịt đẫy đà nhuận mượt; chứng trạng của 4 tổn, xuất hiện ra ở gân do can làm chủ, chủ yếu là gân mềm yếu không co lại và cầm nắm chống đỡ được; chứng trạng của 5 tổn xuất hiện ở xương do thận làm chủ, chủ yếu là xương mềm liệt không có sức không ngồi dậy được. Trái ngược với tình hình trên tức là bệnh chứng của mạch chí. Bệnh của mạch tổn là trì phế theo thứ tự đi xuống thận, truyền biến từ trên xuống dưới, đến lúc xương yếu liệt không ngồi dậy được, thế là chứng chết; bệnh của mạch chí là từ thận theo thứ tự đi lên phế, truyền biến từ dưới lên, đến lúc da nhăn nheo lông tóc rụng, cũng sẽ thành chứng chết.

HỎI: cách chữa bệnh tổn như thế nào?

TRẢ LỜI: phế hư tổn thì nên bổ ích phế khí; tâm hư tổn thì nên điều hoà vinh vệ , làm cho khí huyết vận hành được bình thường, tỳ hư tổn thì nên điều tiết ăn uống và luôn luôn giữ gìn cho ăn mặc được thích nghi với nóng lạnh; can hư tổn nên sơ can giải uất dùng thuốc bổ để hoà hoãn ở trong, thận hư tổn thì nên bổ ích tinh khí. Như vậy tức là cách chữa bệnh hư tổn.

HỎI: mạch có khi với thời gian một hơi thở ra, động hai lần, thời gian một hơi hít vào động 2 lần, có khi một hơi thở ra động 3 lần, một hơi hít vào động 3 lần, có khi một hơi thở ra động 4 lần, một hơi hít vào động 4 lần, có khi một hơi thở ra động 5 lần, một hơi hít vào động 5 lần, có khi một hơi thở ra động 6 lần, một hơi hít vào động 6 lần; và cũng có khi một hơi thở ra động 1 lần, một hơi hít vào động 1 lần, có khi 2 lần thở ra động 1 lần, 2 lần hít vào động 1 lần; cũng có khi với thời gian 1 lần thở ra 1 lần hít vào động 1 lần; với tình trạng mạch động nhiều cách khác nhau như vậy, thì phân biệt và suy đoán bệnh chứng sẽ sinh ra như thế nào?

TRẢ LỜI: với thời gian 1 lần thở ra mạch động 2 lần, 1 lần hít vào mạch động 2 lần, mà lực động cũng không cũng không nhỏ là mạch của người khoẻ mạnh bình thường; nếu 1 lần thở ra mạch động 3 lần, 1 lần hít vào mạch động 3 lần, là hiện tượng mạch mới vừa bị bệnh, như biểu hiện mạch to ở bộ thốn thuộc dương, mạch nhỏ ở bộ xích thuộc âm, thì sẽ phát sinh chứng đau đầu chóng mặt, nếu bộ thốn mạch nhỏ bộ xích mạch to thì sẽ phát sinh chứng phiền đầy ở ngực, thở ngắn gấp. Một hơi thở ra mạch động 4 lần, một hơi hít vào mạch dộng 4 lần là hiện tượng mạch, bệnh sẽ tiến triển, nếu mạch hồng đại thì có chứng trong ngực phiền nóng đầy tức khó chịu, nếu mạch trầm tế thì đau ở bụng; nếu mạch hoạt thì bị bệnh cảm nhiệt; nếu mạch sáp là bị phải tà khí sương mù. Một hơi thở ra mạch động 5 lần, một hơi hít vào cũng động 5 lần, là dương thịnh âm hư, thì bệnh có trạng thái mệt nhọc nguy cấp, nếu mạch trầm tế thì bệnh sẽ nặng thêm về ban đêm, nếu mạch phù đại thì sẽ nặng thêm về ban ngày, nếu lực đập không to không nhỏ, tuy có mệt mỏi vẫn có thể chữa, nếu mạch to nhỏ không đều thì khó chữa. Một hơi thở ra mạch động 6 lần, một hơi hít vào cũng động 6 lần, thì tiên lượng không tốt là mạch chết, nếu mạch trầm tế thì chết vào ban đêm, mạch phù đại thì chết vào ban ngày. Một hơi thở ra mạch động 1 lần, một hơi hít vào mạch động 1 lần, gọi là mạch tổn, người bệnh tuy còn đi lại được, nhưng thời gian nằm trên giường vẫn nhiều hơn , sở dĩ như vậy là vì khí huyết đã suy kém. Hai lần thở ra mạch động 1 lần, hai lần hít vào mạch động 1 lần gọi là vô hồn, mạch như vậy là người đã mất hồn thì sẽ chết, nếu như còn cố gắng đi lại được thì cũng chỉ là cái thây đang đi mà thôi, gọi là hành thi.

            Bộ thốn trên bộ quan có mạch, nếu vì thực tà ủng tắc thì người bệnh sẽ nôn mửa, nếu không nôn mửa thì không phải thực tà ủng tắc, mà là hiện tượng nguyên khí đã suy nhược, thuộc về chứng chết. Ngược lại, bộ thốn không có mạch, bộ xích có mạch, tuy bệnh tình xuất hiện nguy hiểm vẫn không có can gì, với tình hình như vậy có thể ví dụ như người bị bệnh có mạch ở bộ xích cũng như cây có rễ, trên cành lá tuy khô héo, chỉ cần sự sống ở dưới rễ đương còn, thì sẽ sinh trưởng trở lại. Mạch đã có căn bản là biểu thị người bệnh còn có nguyên khí, cho nên có thể chẩn đoán là không phải chứng chết.

NHẬN XÉT: ở nạn này đã nêu ra 5 ý chính:

  1. Trong việc xem mạch cần chú ý đến số lần mạch đập, mạch tổn, mạch chí nói ở đây tức là nói về sự khác nhau giữa nhịp mạch đập nhanh và chậm.
  2. Nói về bệnh của mạch tổn là lần lượt từ trên xuống dưới, bệnh của mạch chí là lần lượt từ dưới lên trên.
  3. Nêu ra phép chữa về 5 thứ bệnh hư tổn, phế hư tổn thì bổ ích phế khí, tâm hư tổn thì điều hoà vinh vệ, tức là điều hoà khí huyết; tỳ hư tổn thì điều tiết ăn uống và giữ sự ấm lạnh cho đúng mức; can hư tổn thì sơ can giải uất điều hoà tỳ vị; thận hư tổn thì bổ ích tinh khí.
  4. Nói xem mạch có thể biết được bệnh nặng bệnh nhẹ, bệnh khó khỏi, bệnh dễ khỏi, bệnh sống, bệnh chết.
  5. Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của bộ xích, vì bộ xích là chỗ tương ứng của thận khí tiên thiên, tức là nguyên khí, tức là nguồn gốc của hoạt động sinh mệnh.

NẠN THỨ 15

Nguyên văn

HỎI: Trong Y kinh nói: Mùa Xuân mạch huyền, mùa Hạ mạch câu, mùa Thu mạch mao, mùa Đông mạch thạch, như vậy là mạch đúng với thời bệnh hay mạch bệnh?

TRẢ LỜI: Huyền, Cầu, Mao, Thạch là hiện tượng mạch đúng với thời lệnh bốn mùa. Mùa xuân mạch huyền vì Can thuộc Mộc ở phương Đông, vạn vật bắt đầu sinh trưởng chưa có cành lá, cho nên khi mạch khí đến là mềm yếu và dài, gọi là mạch Huyền. Mùa Hạ mạch Câu vì Tâm thuộc Hoả ở phương Nam, là thời kỳ vạn vật tốt thịnh, cây buông cành đầy lá đều cong xuống như cái câu, cho nên khi đến thì nhanh, khi đi thì chậm vì thế gọi là Câu;

            Mùa Thu mạch Mao, vì Phế thuộc Kim ở phương Tây; giai đoạn kết thúc của vạn vật, hoa lá của cây cỏ đến mùa Thu thì rụng, chỉ còn lại nhánh, giống như những cái lông, cho nên mạch đến nhẹ rỗng mà phù, vì thế gọi là Mao.

            Mùa Đông mạch Thạch, vì Thận thuộc Thuỷ ở phương Bắc, ở mùa Đông vạn vật thu tàn, nước kết thành băng như đá, cho nên mạch đến trầm, nhu mà hoạt, vì thế gọi là mạch Thạch. Đó là hiện tượng mạch đúng theo thời lệnh bốn mùa.

HỎI: Hiện tượng mạch trong bốn mùa, nếu có sự thất thường thì sẽ xuất hiện ra hình dạng như thế nào?

TRẢ LỜI: mạch mùa Xuân nên là Huyền, trái thường tức là có bệnh, nếu cần hỏi trái thường là như thế nào?

Trả lời rằng: Mạch nhảy động, khi mạch khí đến, thực mà có lực là mạch thái quá, chủ bệnh ở phần ngoài; nếu khi mạch khí đến mạch hư mà vi nhược, là mạch bất cập, chủ bệnh ở phần trong, mạch đến lay động nhẹ, giống như gió mùa Xuân thổi lên lá bưởi là mạch bình thường, nếu mạch đến rắn chắc mà lưu lại, giống như sờ vào cán câu là mạch có bệnh; nếu căng mà cứng mạnh như giây cung mới trương lên là mạch chết. Mùa Xuân mạch hơi Huyền là bình thường. Huyền nhiều vị khí ít là bệnh, chỉ Huyền mà không có vị khí là chết, vì mùa Xuân là lấy vị khí làm gốc.

            Mùa Hạ mạch Câu, nếu trái với hiện tượng ấy, tức là mạch bệnh, thế nào gọi là trái?

TRẢ LỜI RẰNG: nếu mạch đến thực mà có lực lá thái quá, chủ bệnh ởp phần ngoài, mạch đến yếu nhỏ là bất cập, chủ bệnh ở phần trong, nếu khi mạch đến giống như chuỗi vòng ngọc, sờ vào giống như sờ trên hòn ngọc trơn nhuận là mạch bình thường, nếu mạch đến cảm thấy rất nhanh như gà cất chân lên chạylà mạch bệnh, nếu trước cong sau thẳng để nhẹ tay không mềm, ấn nặng tay không động, như cầm cái lưỡi câu, tức là mạch chết. Mùa Hạ mạch hơi câu là bình thường, câu nhiều vị khí là mạch có bệnh, chỉ câu mà không có vị khí là mạch chết, vì mùa Hạ cũng lấy vị khí làm gốc.

            Mùa Thu mạch mao, nếu trái với hiện tượng ấy là mạch có bệnh, thế nào gọi là trái?

TRẢ LỜI RẰNG: nếu mạch đến thực mà có lực là thái quá, chủ bệnh ở phần ngoài, mạch đến nhỏ yếu là bất cập, chủ bệnh ở phần trong, mạch đến to đầy nhẹ nổi ra giống như cái mui xe, ấn nhẹ tay xuống thì thấy to hơn, là mạch bình thường, không lên không xuống, như xờ lên lông gà, như sờ trên lông gà nhẹ bổng là mạch bệnh, ngón tay đè trên mạch chỉ cảm thấy trống rỗng thanh vắng, lay lắc không ổn định tán loạn không có gốc, như gió thổi trên lông chim là mạch chết. Mạch mùa Thu hơi mao là mạch bình thường, mao nhiều, vị khí ít là mạch bệnh, chỉ mao mà không có vị khí là mạch chết, vì mạch mùa Thu cũng lấy vị khgí làm gốc.

            Mùa Đông mạch Thạch, nếu trái với hiện tượng ấy là mạch có bệnh, thế nào gọi là trái?

TRẢ LỜI RẰNG: khi mạch khí đến thực mà có lực là thái quá, chủ bệnh ở phần ngoài, mạch đến nhỏ yếu là bất cập, chủ bệnh ở phần trong, mạch đến bộ thốn thì to, bộ xích thì nhỏ, trên dưới thành hình nhọn, mềm trơn giống như mỏ con chim sẻ là mạch bình thường, nếu mạch đến giống như con chim mổ ăn liên tiếp không ngừng, trong đó có hình hơi cong, biểu lộ hiện tượng câu nhiều vị ít, tức là mạch bệnh, khi mạch đên dài và mềm, không có lực giống như cái giây cởi ra, mà khi đi thì gấp vội có lực giống như búng trên đá, tức là mạch chết. Mạch mùa Đông hơi thạch là bình thường, thạch nhiều vị khí ít là bệnh, chỉ thạch mà không có vị khí là chết, vì mạch mùa Đồng cũng lấy vị khí làm gốc. Vị là tổ chức dung nạp thức ăn uống, chủ yếu là cung cấp chất dinh dưỡng, là nguồn gốc của động lực mạch trong bốn mùa, cho nên trong bốn mùa xu6an, hạ, thu, đông mạch đập đều lấy vị khí làm gốc, vì thế có vị khí hay không có thể ảnh hưởng đến sự thay đổi của mạch đập trong bốn mùa và sự nặng nhẹ của bệnh cũng có thể lấy đó làm chỗ mấu chốt để quyết định sóng chết. Tỳ chủvề trung châu, mạch của Tỳ bình hoà lúc bình thường không có thể hiện hình tượng gì đặc biệt, Đến khi Tỳ suy thì sẽ xuất hiện hiện tượngnhư chim sẽ mổ ăn, hoặc như nước nhỏ xuống từng giọt, như thế là tỳ suy biểu hiện ra ở mạch.

 

NẠN THỨ 16

Nguyên văn

HỎI: xem mạch có phân biệt ba bộ chín hậu, ở các phương diện bộ vị, hình tượng có thuộc tính âm dương ở cách đặt ngón tay còn có nặng nhẹ khác nhau, lại có sáu bộ mạch ở hai bên, mỗi bộ mạch có 10 biến dạng, tức có 60 biến dạng, mỗi mạch lại cần theo vào bốn mùa mà biến hoá khác nhau, những phương pháp xem mạch ấy cách đây đã rất lâu, mà thầy thuốc thời nay thì mỗi người lại tự cho phương pháp của mình là đúng vậy, thì làm thế nào để phân biệt được đúng sai?

            TRẢ LỜI: điều này là cần căn cứ chứng trạng của bệnh biểu hiện ra ở phần trong và phần ngoài. Để phân biệt nếu muốn hỏi chứng trạng trong ngoài của bệnh là như thế nào?

            TRẢ LỜI: giả như xem thấy mạch can, mà ở phần ngoài người bệnh biểu hiện ra là yêu thích trong sạch, sắc mặt xanh, thường phát giận dữ, triệu chứng bên trong là bên tả vùng rốn có động khí, dùng tay ấn vào có cảm giác cứng hoặc đau, người bệnh tự nói ra là tay chân có cảm giác đầy chướng mỏi nặng, động tác khó khăn, tiểu tiện rít sáp, đại tiện khó , run gân. Có những triệu chứng trong ngoài như vậy tức là bệnh can, nếu không có thì không phải bệnh can.

            Giả như xem thấy mạch tâm, người bệnh ở phần nmgoài biểu hiện ra là sắc mặt đỏ, miệng hơi khô, hay cười, triệu chứng ở trong là ở phía trên rốn có động khí, sờ tay ấn vào có cảm giác cứng hoặc đau, người bệnh tự kể là vùng ngực nóng tức, đau tim, lòng bàn tay nóng, và có hiện tượng khô ráo, có những chứng trạng trong ngoài như vậy tức là bệnh tâm, nếu không có thì không phải là bệnh tâm.

            Giả như xem thấy mạch tỳ, người bệnh ở phía ngoài biểu hiện là mặt vàng, hay ợ hơi, hay lo nghĩ, thích ăn thứ ngon béo, chứng ở trong là vùng rốn có động khí, sờ tay vào co cảm giác cứng hoặc đau, người bệnh tự kể là bụng chứng ăn uống khó tiêu, mình nặng khớp xương đau, người mệt mỏi yếu sức, thích ngủ, tay chân khó co duỗi, có những chứng trong ngoài như vậy tức là bệnh tỳ, nếu không có thì chưa phải bệnh tỳ.

            Giả như xem thấy mạch phế, người bệnh phần ngoài biểu hiện ra là sắc mặt trắng nhợt, thường muốn hắt hơi lo buồn rầu rĩ không vui, luôn luôn muốn khóc chảy nước mắt, chứng ở trong là bên phải vùng rốn có động khí, dùng tay ấn vào có cảm giác cứng hoặc đau, người bệnh tự kể ra là ho suyễn, sợ rét phát sốt. Có những chứng trạng trong ngoài như vậy tức là bệnh phế, nếu không có thì không phải là bệnh phế.

            Giả như xem thấy mạch thận, người bệnh ở phần ngoài biểu hiện ra sắc mặt đen, thường có cảm giác sợ hãi, thỉnh thoảng ngáp, chứng ở trong là vùng dưới rốn có động khí, dùng tay ấn vào có cảm giác cứng hoặc đau, người bệnh tự kể ra là khí nghịch lên, vùng bụng dưới căng mà đau, đại tiện lỏng mà mót rặn, ống chân lạnh. Có những chứng trạng trong ngoài như vậy, tức là bệnh thận, nếu không có thì không phải là bệnh thận.

NẠN THỨ 17

Dịch nghĩa

HỎI: Trong Y kinh nói: Bệnh có trường hợp chết, có trường hợp không chữa cũng tự khỏi, có trường hợp kéo dài hàng năm không khỏi, thì sự sống chết còn mất có thể xem mạch mà biết được không?

TRẢ LỜI: Có thể biết được tất cả, khi xem bệnh nếu người bệnh nhắn mắt lại không muốn nhìn người thì mạch nên xuất hiện mạch can, cường cấp mà trường, nếu trái lại xuất hiện mạch phế, phù đoản mà hơi sáp thế là can mộc bị phế kim khắc, là chứng chết.

            Nếu người bệnh trương mắt mà lại khát nước, vùng tim ngực trở xuống cứng rắn, thì mạch nên xuất hiện mạch tâm, khẩn trương có lực mà nhanh, nếu trái lại xuất hiện mạch thận. Trầm sáp mà hơi vi, thế là tâm hoả bị thận thủy khắc, là bệnh thực mạch hư cũng là chứng chết.

            Nếu người bệnh thổ huyết, kiêm cả mũi ra huyết (thuộc chứng tâm hư) thì mạch nên xuất hiện mạch phế trầm mà tế vi, nếu trái lại xuất hiện mạch tâm phù đại mà hơi có lực, thế là phế kim bị tâm hoả khắc, là bệnh hư mạch thực, cũng là chứng chết.

            Nếu người bệnh nói năng mê loạn, thân mình nên phát sốt, (thuộc chứng dương nhiệt) thì mạch nên xuất hiện hồng đại, là mạch tâm, nếu trái lại nếu xuất hiện chứng tay chân quyết lãnh, mạch trầm tế vi nhược của mạch thận, thế là tâm hoả bị thận thủy khắc là dương bệnh thấy âm mạch cũng là chứng chết.

            Nếu người bệnh bụng chướng to, kiêm có chứng ỉa lỏng (thuộc chứng hư hàn) thì mạch nên xuất hiện vi tế mà hơi sáp là mạch của tỳ, nếu trái lại xuất hiện mạch thực đại mà hơi hoạt là mạch của can, thế là tỳ thổ bị can mộc khắc, là bệnh hư mạch thực cũng là chứng chết.

NẠN THỨ 18

Dịch nghĩa

HỎI: chỗ xem mạch có 3 bộ thốn, quan , xích mỗi bộ đều có 4 đường kinh, thủ kinh có thái âm, dương minh, túc kinh có thái dương, thiếu âm, thành ra bộ trên bộ dưới nghĩa là sao?

TRẢ LỜI: thủ thái âm, thủ dương minh thộc kim, túc thái dương, túc thiếu âm thuộc thủy, kim sinh thủy, thủy thì chảy xuống mà không đi lên được cho nên ở bộ dưới, túc quyết âm, túc thiếu dương thuộc mộc, môc sinh hoả, thủ thái dương, thủ thiếu âm thuộc hoả, hoả thì bốc lên mà không đi xuống được, cho nên ở bộ tên. Kinh thủ quyết âm tâm bào và kinh thủ thiếu dương tam tiêu thuộc hoả, hoả sinh  thổ, kinh túc thái âm tỳ và kinh túc dương minh vị thuộc thổ, phương vị của thổ là ở trung ương, cho nên tỳ với vị thuộc thổ ở vào bộ giữa, những điều đó đều là căn cứ vào quan hệ tương sinh của ngũ hành mà ra.

HỎI: xem mạch có ba bộ chín hậu khác nhau, mỗi bộ mỗi hậu đều chủ bệnh tật như thế nào?

TRẢ LỜI: ba bộ tức là bộ thốn, bộ quan bộ xích, chín hậu tức là mỗi bộ đều có ba hậu: phù hậu, trung hậu, trầm hậu. (3X3 =9 hậu). Bộ trên là thốn cũng như trời ở trên cao, chủ yếu là để chẩn đoán bệnh từ vùng ngực lên ở đầu, bộ giữa là bộ quan cũng như người ở vào khoảng giữa trời đất, chủ yếu là để chẩn đoán bệnh từ ngực xuống đến rốn, bộ dưới là bộ xích, cũng như đất ở dưới, chủ yếu là để chẩn đoán bệnh từ rốn xuống đến chân. Trong việc chữa bệnh cần phải xét kỹ những bộ vị tương ứng này mới có thể dùng làm mục tiêu cho việc làm.

HỎI: Người có bệnh tích tụ trầm trệ đã lâu ngày có thể dùng cách xem mạch để biết được không?

TRẢ LỜI: trong khi chuẩn đoán nếu phát hiện có khí tích tụ ở sườn bên phải thì có thể xem thấy ở bộ mạch phế có hiện tượng kết, hiện tượng kết nhiều thì tích tụ tương đối là mạnh, nếu kết nhẹ thì tích tụ cũng tương đối nhẹ hơn.

HỎI: nếu như xem mạch phế không có hiện tượng kết mà ở sườn bên phải lại có khí tích tụ đó là vì lẽ gì?

TRẢ LỜI: Ở mạch phế tuy không thấy có hiện tượng kết, nhưng mạch ở tay phải thì lại trầm phục.

HỎI: Người bệnh trên hình thể đã có cố tật lâu ngày không khỏi, thì có thể dùng cách chẩn đoán như vậy không? Hay là còn có cách chẩn đoán khác?

TRẢ LỜI: hình dạng của mạch kết thì mạch đập là chậm rãi hơn mạch bình thường mà trong thời gian chậm rãi ấy có xen vào một lần dừng lại, không có số nhất định, nên gọi là mạch kết, còn mạch phục tức là mạch khí đi chìm ở phía dưới gân, mạch phù tức là mạch khí đi nổi trên tầng thịt, tích khí đã lâu ngày ở phía trong phía ngoài bên tả bên hữu, đều có thể căn cứ vào lẽ kết mà phục là bệnh ở trong, kết mà phù là bệnh ở ngoài, kết bên tả là bệnh ở bên tả, kết bên hữu là bệnh ở bên hữu, để mà chẩn đoán. Già như mạch xuất hiện kết phục mà ở trong không có tích tụ, mạch xuất hiện phù kết mà ở ngoài không có tật, hoặc ngược lại, có tích tụ mà mạch hoàn toàn không có kết phục, có cố tật mà hoàn toàn không có phù kết, thế là mạch không phù hợp với bệnh chứng, hoặc là bệnh chứng không phù hợp với mạch, đều là khó chữa.

NẠN THỨ 19

Dịch nghĩa

HỎI: trong y kinh nói: mạch có nghịch có thuận. Nam và nữ đều có thường quy nhất định, nhưng cũng có khi trái thường là vì sao?

TRẢ LỜI: giờ dần là lúc mặt trời mới mọc ở phương đông, dương khí thịnh dần. Dần trong ngũ hành là mộc khí của phương đông, thuộc dương, nam khí sinh ở dương, tức tượng trưng dương khí thịnh của nam giới. Giờ thân là lúc mặt trời lặn ở phương tây, âm khí thịnh dần. Thân trong ngũ hành là kim ở phương tây thuộc âm: nữ sinh ở âm tức là nữ giới âm huyết thịnh. Ơ đây lấy hai chi dần, thân là căn cứ ở người xưa cho  rằng số sinh thành của vạn vật là từ kim mộc mà ra, cho nên mạch nam giới thịnh ở bộ thốn thuộc dương, mạch nữ giới thịnh ở bộ xích thuộc âm, vì thế nam giới mạch ở bộ xích thường là hư nhược. Nữ giới mạch ở bộ xích thường là cường thịnh, đó là hiện tượng mạch bình thường.

HỎI: nếu ngược lại nam giới được mạch của nữ, nữ giới lại được mạch của nam, thì bệnh sẽ sinh  ra như thế nào?

TRẢ LỜI: nam giới xuất hiện mạch nữ giới là chứng hư, âm khí hữu dư, dương khí bất túc, bệnh sinh ở phần trong mạch xuất hiện ở bên tả là bệnh ở bên tả, mạch xuất hiện ở bên hữu là bệnh ở bên hữu, có thể theo vào sự biểu hiện của mạch để nói được chỗ phát bệnh. Nữ giới xuất hiện mạch của nam giới là chứng thực là chứng thực, bệnh sinh ở tay chân, mạch xuất hiện bên tả là bệnh bên tả, mạch xuất hiện ở bên hữu là bệnh ở bên hữu. Cũng có thể theo vào sự biểu hiện ra ở mạch mà nói rõ được chỗ bệnh phát. Đó tực là phân biệt sự khác nhau về hư thực, trái ngược về mạnh yếu của mạch giữa nam và nữ.

NẠN THỨ 20

Dịch nghĩa

HỎI: trong y kinh nói: mạch có ẩn tàng, ẩn tàng vào một tạng nào mà nói là ẩn tàng?

TRẢ LỜI: đó là nói tình hình âm dương xâm lấn lẫn nhau, mạch ở bộ âm mà xuất hiện mạch dương, phù, hoạt mà trường, là dương lấn vào âm, mạch tuy ở bộ dương, nhưng có khi thấy trầm, sáp mà đoản là âm lấn vào dương, tuy có khi mạch xuất hiện phù hoạt mà trường, thì gọi là dương phục trong âm. Bộ xích và bộ thốn đều xuất hiện mạch dương là dương thịnh, sẽ phát sinh bệnh cuồng. Bộ xích và bộ thốn đều xuất hiện mạch âm, là âm thịnh, sẽ phát sinh bệnh điên. Dương thoát thì thần chí rối loạn, người bệnh nhìn thấy ma quỷ, âm thoát thì mắt mờ trông không thấy rõ.