Hôm nay 341
Hôm qua 173
Tuần này 975
Tháng này 1548
Tất cả 433616



Bệnh án xưa

BÀI THUỐC SẢN HẬU

Tác giả: Trần Nam Hoàn

Ngày Đăng: 28 : 02 : 2015

BÀI THUỐC SẢN HẬU

Bài thuốc sản hậu của mấy người thường chế ra bán cho những người mắc bệnh sản hậu ở vùng giáp rừng núi này uống.

Bệnh sản hậu : Bệnh sau khi đẻ. Sau khi mới đẻ đứa con đầu lòng hay sau khi đẻ 5 – 10 đứa con khác mà có bệnh, gọi là bệnh sản hậu.

Bệnh ấy nó phát ngay hay có thể mấy năm sau mới phát. Có khi phát ngay từ hồi trung niên hay mãi đến khi tuổi già mới phát đều gọi là bệnh sản hậu, chứ không phải tiếng nói « sản hậu » là bệnh ngay sau khi mới đẻ.

Bệnh sản hậu là những bệnh gì ?         

Bệnh sản hậu do nhiều loại « khí, huyết, đàm, thực, thấp, nhiệt »liên kết với nhau, nên thăng lại giảng, nên giảng lại thăng, nên biến hóa lại đình trệ rồi hiệp với nội thương hay ngoại cảm thành uất, thành tích ở trong bụng làm ra :

- Trong bụng vằn lên từng khúc ruột, khi đau, khi không.

- Tức ngực, đầy hơi, ợ ngược, vang váng nhức đầu.

- Ăn không được, ăn vài miếng đã no, ăn rồi tức bụng, chỉ thích ăn vặt hay ăn chua, ăn ngọt, chứa đầy bụng giun.

- Đàm nhớt hay hơi máu nóng đưa lên đóng chặt cổ họng, khác nào như hạt mơ, hạt mận hay như cục thịt nằm ngay giữa cổ họng, khạc mấy cũng không ra, cố nuốt cũng không vào, nghẹn vít khó thở, làm mệt. Nếu được lúc nào thông cổ dễ thở thì khỏe một chút.

- Trong bụng kết hòn, kết cục. Cục hòn ấy bằng hơi ( khí ), lấy tay nắn vào nó, đang ở chỗ này chạy chỗ khác, hay tan ra lát sau tụ lại. Cục hòn ấy bằng máu bằng thịt, lấy tay nắn vào, ở chỗ nào cứ nguyên chỗ ấy, làm cho kém ăn, ít ngủ, xanh xao, vàng yếu.

- Ngủ chập chờn, thao thức rất khó ngủ, gần sáng mới ngủ được một chút thì mơ màng.

- Tiểu, khi nhiều khi ít, khi trong khi đục thất thường, mà đêm tiểu nhiều lần.

- Đại khi lỏng, khi táo, khi như kiết lỵ.

- Người còn tuổi hành kinh, khi trồi khi sụt, không thông, không đều, lại nhiều huyết trắng, huyết hôi.

- Người còn tuổi đẻ đã có bệnh ấy cũng khó mà thụ thai.

Tất cả vân vân như vậy chẳng bị chứng nọ thì bị chứng kia là bệnh sản hậu.

Nên biết thêm, bệnh sản hậu đã bởi « uất và tích » thì không chỉ những người có sinh đẻ mới mắc mà những cô không chồng, hay có chồng không đẻ đã có bệnh uất tích, tuy không hẳn là sản hậu, nhưng cũng thuộc loại sản hậu

Tại sao mắc bệnh sản hậu ?

Bởi khi mới sanh khí huyết vừa bị hao tổn, khí sức hãy còn non yếu, chưa ăn uống tẩm bổ để điều hòa cho quân bình như trước hay có phần tăng trưởng hơn mà có bệnh :

Nào vì hoàn cảnh thiếu thốn không kiêng giữ được phải xông pha sương gió, dãi dầm mưa nắng để hồng no đủ mà cảm nhiễm vào.

Nào vì hoàn cảnh dư thừa lại được chiều chuộng, ăn uống không chừng mực, những đồ ngon ngọt tống vào quá cỡ, không tiêu hóa kịp đình tích lại.

Nào vì đơn chiếc, phải thức khuya dậy sớm, vất vả nuôi con, kém ăn ít ngủ, hao mòn khí huyết thêm.

Nào vì ghen tức người chồng phụ bạc, ham mê hoa nguyệt mới lạ, bỏ bê chăn gối tình xưa mà « lá gan chồi lồng ngực » , máu xấu ứ bào thai.

Nào vì buồn giận chồng con bê tha bài bạc rượu chè, lười biếng công việc nhà cửa khí tức xung lên.

Nào vì máu dơ chưa sạch đã xông pha tắm gội cho nhiều để ngấm lạnh mà nước dư đọng lại.

Nào vì máu non, sức yếu đã yêu đương chiều chuộng mặc tình mà tinh khí quấy phá tử cung.

Nào vì những ngày hành kinh chưa sạch mà muốn cho đẹp dạ lang quân, cùng chép miệng đồng tình cho qua mà máu cũ tồn kho.

Những cô gái muộn chồng hay những nàng thề nguyền chờ đợi ý trung nhân mà đóng cửa phòng the, thấy cảnh ngoại chồng con ríu rít mà lòng trong gan ruột quay cuồng, máu hồng đứng lại, nhớt trắng tràn ra, ăn vào nghẹn họng không tiêu, mình ngọc ngày thêm mòn mỏi, nghĩ lại tuổi già đã đến, lòng vàng luống những thở than.

PHÉP TRỊ : Phân loại mà trị mới là đúng phép, trong đó dưỡng chính trừ tích mới là hoàn hảo. Nhưng nói chung là nên « thanh khí khai uất, hóa đàm tiêu tích » mà thôi, không nghĩ đến thanh nhiệt giáng hỏa cho nên vùng giáp rừng núi này mấy người bán thuốc thông dụng một bài thuốc sản hậu.

BÀI THUỐC :

Hương phụ 1 cân tầu. Nam mộc hương ½ cân tầu

(Cân lạng nhiều ít tùy ý, cứ tính Hương phụ gấp đôi Mộc hương).

Bài thuốc tuy trình bày có 2 vị chính, nhưng còn một vị nữa thuộc loại bí ẩn và ý nghĩa điều trị khác nhau, nên tìm hiểu kỹ sau đây :

Bào chế đúng phép, đổ chung hai vị tán nhỏ, rây nhỏ.

Lấy giấy bản (giấy viết sách chữ nho) thứ tốt, loại dai, cắt từng miếng vuông, mỗi bề 3 phân tây. Xúc thuốc tán đổ vào giữa miếng giấy (liệu cho vừa) cầm 4 góc giấy dúm lại, thuốc ỡ giữa gọn thành cục,vê chặt đầu giấy, góc giấy vào với nhau, tựa như riêu bông cúc hay như cúc áo dài thời xưa, nên địa phương ấy còn gọi « thuốc sản hậu cúc áo ».

CÁCH UỐNG : mỗi ngày uống 2 lần vào 2 bữa cơm ( uống rồi ăn cơm ngay ). Mỗi lần uống 1 viên hay 2 viên, sau uống quen thấy dễ chịu, mỗi lần có thể uống 3 viên.

Bỏ viên thuốc vào miệng, lấy nước ấm nuốt ngay xuống, chớ nhai chớ động mạch rách giấy, thuốc rơi ra đắng lắm.

Thuốc này đắng và nóng, lạ hơi say say, không uống lúc đói bụng được, phải uống trước hay sau bữa ăn cơm, đó là để nhờ có hơi cơm thì không say, không nóng, lại mau tiêu nữa.

Thuốc này là thuốc sản hậu, tức chủ trì bệnh tích như khí tích, huyết tích, thực tích, tửu tích, trà tích, đàm tích, phòng tích v.v… bất luận già trẻ, trai gái đều uống được cả. Nhưng người già yếu suy nhược quá không nên uống và nhất là người có thai chớ uống.

SỰ VIỆC : ( Xin lỗi, vài hàng dài dòng cho dễ biết chuyện)

Trước ta hãy biết qua về cảnh tượng của những làng Đục Khê, Hương Tích, Yên Vĩ, Nông Khê qua Thanh Hà, Kẻ Sải tới Đồng Chiêm, Hang Nước v.v… dọc theo ven núi vùng Mỹ Đức, Hà Đông.

Nói chung vùng này như một thung lũng, phía trước là sông Đáy, phía sau là dãy núi Trường Sơn bao quanh.

Hàng năm 4 tháng ngập lụt, 8 tháng khô hạn.

Từ giữa tháng 4 ( âm lịch ) bắt đầu mùa mưa, thác lũ Trường Sơn trút xuống, phù sa sông Đáy chảy vào, tràn ngập lai láng khắp cả vùng, sóng nước mênh mông, nhìn những làng dân cư ấy như những cù lao trên mặt biển, đi lại phải có thuyền, có thúng. Những nhà bè làng Thanh Hà phải rải rác trú ẩn vào ven các làng để tránh mưa lão, sóng nước có thể đánh tan mảng bè, nhận chìm luôn cả nhà bè xuống.

Mùa lụt ấy, người làng Thanh Hà và vài làng khác làm nghề chài lưới huê lợi về cá rất phong phú.

Đến cuối tháng 8 nước dần dần khô cạn mới có đường bộ đi lại và lo việc cày cấy một vụ lúa chiêm.

Sự buôn bán gần làng Thanh Hà có hai cái chợ. Chợ Sải ( làng Tuy Hiền ) một tháng 6 phiên vào những ngày 5 và 10. Chợ Siêu (làng Trinh Tiết) một tháng 6 phiên vào những ngày 2 và 6 . Chợ Siêu rộng lớn hơn và đông đảo hơn chợ Sải.

Tất cả cảnh tượng và phong tục giáp rừng núi này khác với miền đồng bằng.

Tôi ở nhà bè cụ Qũy Hạnh làm thầy thuốc, tuy mới vài ba tháng, nên kể ra cũng có khách đến khẩn cầu.

Tôi mua riêng một nhà bè đậu dưới sông Thanh Hà, sát bờ làng Nông Khê trên đất. Tôi cho cả vợ con vào cùng làm ăn. Từ đó, cho khoảng đến hơn một năm tôi vững lòng yên dạ trong nghề, trị được nhiều bệnh, đông khách hơn trước. Rồi thì nhà bè nhỏ hẹp không đủ dung nạp, lại vì thân sức yếu không chèo nổi với mưa gió bão lụt, tôi thuê một căn nhà của bác Gỉang (Nguyễn Văn Gỉang ) ở trên đất thuộc làng Nông Khê ( sát ngay chỗ nhà bè cũ ) cho vững chắc và rộng rãi.

Tôi muốn nghề thuốc của tôi mở rộng hơn và thông hiểu nhiều khía cạnh về thuốc hơn nữa mới đủ cung cách làm thầy cho chu đáo.

Tôi về Nam Định mua thuốc bắc (khi tôi ở Lác Môn với thân phu, tôi mua thuốc của mấy người tàu đã quen) đem vào Nông Khê. Tôi đóng hai gánh thuốc, cả hai vợ chồng đi bán ở hai chợ nói trên.

Trong thời gian tôi ngồi bán thuốc ở hai chợ. Tôi thân thiện với hai bạn hàng (ông bà Hai My ở Đặng Giang và cha con ông Hai Si ở Danh Xuyên) cùng bán thuốc ở hai chợ ấy.

Trong khi tôi và ông bà Hai My bán thuốc ở chợ Sêu, thấy nhiều người hỏi mua thuốc sản hậu cúc áo mà mình không có. Sau tìm ra biết được người làng Sêu có ông Mục Rích bán thuốc ấy ở trong nhà, còn bà vợ thì bán ở ngoài chợ. Chúng tôi tìm đến hàng bà. Bà để thuốc trong một cái thùng như thùng thuốc lào. Bà chỉ bán có một thứ thuốc ấy mà người mua rất đông.

Chúng tôi mua mấy chục viên đem về. Ôi ! Trong viên đó lại là thuốc tán làm sao phân tán mà biết ngay được trong đó có những vị gì ? (Tam thế y bất trị hoàn tán dược). Nào ngửi, nào nếm, nào ngâm rượu, nào ngâm nước, nào đốt cháy, cào bới đủ thứ 2 - 3 ngày , cả hai nhà cùng quyết đoán chỉ có hai vị Hương phụ và Nam mộc hương mà Hương phụ nhiều hơn Mộc hương.

Cả hai nhà cùng chế hai vị ấy làm viên cúc áo bán ở hai chợ. Thời gian chừng 6 tháng tuy có bán nhưng vẫn không bán được nhiều như bà Mục Rích mà lại có tiếng đồn thuốc của bà Mục Rích hay hơn.

Sau chúng tôi hỏi dò người quen thân với bà Mục Rích, họ cho biết thuuốc bà ấy bởi còn có một vị Hoàng nàn nữa. Tôi còn nói chuyện với nhiều người thông hiểu y học ở quê nhà, ai cũng bảo thuốc sản hậu phần nhiều phải có Hoàng nàn.

Tôi bàn với ông bà Hai My làm thêm Hoàng nàn. Ông bà không làm. Tôi mua Hoàng nàn về chế rất cẩn thận, xong hòa chung với Hương phụ 4 phần thì Mộc hương ½, Hoàng nàn ¼ cùng tán rây nhỏ.

Chiều hôm đó, xúc một muỗng con thuốc, trộn vào với cơm, cho một con chó nhỏ ăn để thí nghiệm, con vật ấy ăn nhiều rồi kiếm chỗ y ngủ. Mấy giờ sau con vật chẳng kêu dẫy gì hết mà nằm chết cứng.

Tôi sợ đổ đi hết, tiếc công, tiếc thuốc, chắc chắn không phải tại chế dối, chỉ tại trong tễ đó dùng Hoàng nàn ¼ là nhiều, hay cho con vật ấy ăn quá nhiều chăng ? Dù sao tôi cũng không dám làm Hoàng nàn nữa.

Nhưng tôi cũng không chịu thất bại. Tôi suy nghĩ : Hương phụ để nén hơi máu uất tích, Mộc hương không tán hàn tích. Nếu chỉ dùng hai vị ấy để đè nén và thông tán thì hơi máu uất và hàn tích bị đè nén và thông tán ấy nó biết đường nào mà ra, tất nhiên phải có vị gì đun đẩy ra cho mạch mới mau khỏi chớ. Tôi nhớ mấy năm trước, cụ lang Thuần dạy tôi « giải biểu thì phải phát hãn, công lý thì phải lợi hạ, tức là đánh giặc thì phải mở cửa cho nó ra » Ý nghĩa thuốc sản hậu này cũng vậy.

Tôi chế Ba đậu thay Hoàng nàn. Ba đậu tuy rất nóng và rất độc, nhưng đã sao cháy hết hơi dầu thì đă giảm sức nóng và chất độc.

Ba đậu có sức khai thông úng trệ, phá tan tích, thông tiểu lợi đại, nó thông hành rất lâu cho ấm bụng ấm người chớ không đứng lại. Vậy nó cũng « tính tẩu bất thủ » như Phụ tử.

Khi đã uống Ba đậu rồi muốn thông trường thì uống nhiều nước nóng, muốn chỉ tả thì uống vài miếng nước lạnh .

Ba đậu đi chung với Hương phụ trị nội hàn tiết tả rất hợp tình. Ba đậu lại đi chung với Mộc hương là hai vị ôn dược cũng rất đồng tình.

Nói cho đúng, Ba đậu tuy là vị thuốc có tính cướp phá rất mau, rất mạnh, nhưng đã sao cháy hết dầu mà dùng rất ít trong một tễ thuốc thì công hiệu rất mau, mà lại khoan hòa, không sợ độc sợ hại đối với người có bệnh sản hậu.Bởi vậy, tôi chế bài thuốc sản hậu này xong, tôi bán được rất nhiều.

Bài thuốc sản hậu của tôi, cũng hai vị và cân lượng như trên, thêm Ba đậu (bào chế như nói sau) 3 đồng cân. Cũng đổ chung tán nhỏ và bao giấy viên như cúc áo.

(Thiết nghĩ trong một tễ thuốc tán, có 2 vị nhiều tới 1 cân rưỡi tầu, mà có 3 đồng cân thuốc đã sao cháy trộn chung cùng tán nát, đố ai có thể tìm cách nào mà biết được vị thứ ba. Vậy thì thuốc của ông Mục Rích mà ta không tìm ra được có lẽ cũng như trường hợp này).

Lại còn bài thuốc sản hậu của bà Chánh Chắt, người làng Kẻ Sài ( Tuy Hiền ).

Thuốc của bà cũng chỉ có hai vị : Hương phụ, Nam mộc hương mà ngược lại Nam mộc hương lại nhiều hơn Hương phụ, cũng tán nhỏ bao giấy như cúc áo.

Ngày nào có phiên chợ Sải, liệu chừng chợ họp đã đông, bà bỏ thuốc trong cái túi con, đi quanh chợ một vòng bán hết. Khi trở về đã mua đủ món ăn cho gia đình. Sau bà già yếu, con dâu bà đi bán.

Như vậy, bài thuốc sản hậu này ở vùng giáp rừng núi có 4 người bán : ông Mục Rích ở làng Siêu, ông Hai My ở Đặng Giang, bà Chánh Chắt ở làng Sải, tôi ở làng Nông Khê. Tất cả ai cũng bán được mà năm này qua năm khác. Vậy thì bài thuốc này rất hợp với những người có bệnh sản hậu ở vùng ấy.

CÁCH CHẾ THUỐC :

Hương phụ: (Củ gấu, Cỏ cú) cắt rễ, rửa sạch đất, phơi khô dòn, bỏ cối giã nhẹ tay cho trụi hết lông rễ lớn nhỏ. Lại đem rửa cho thật sạch, phơi khô, giã nát.

Số lượng dùng nhiều hay ít tùy ý, chia làm 4 phần bằng nhau, tứ chế. 1 phần tẩm rượu, 1 phần tẫm giấm, 1 phần tẩm nước gừng (đừng pha nước lã), 1 phần tẩm nước tiểu trẻ em khỏa mạnh ( không tẩm muối ). Phần nào cũng tẩm cho ướt đẫm, để một đêm cho thấm hết nước tẩm vào thuốc. Sáng hôm sau phơi khô, sao vàng thơm. Mỗi phần  đều tẩm, phơi sao riêng, xong sẽ trộn chung mà dùng.

Vị cay, mùi thơm hăng, tính ôn, chủ để thông khí, giáng khí, hành huyết, phá trệ.

Nam mộc hương tức Thanh mộc hương: ( vỏ dụt, vỏ cây bùi tía ). Cạo qua lớp vỏ sần sùi ở ngoài, rửa sạch nhựa nhớt ở trong, cắt nhỏ, phơi khô không sao.

Vị hơi cay, chất rất đắng, khí ôn, công dụng tiêu hơi, phá trệ, thông khí, sát trùng. Không có độc, nếu uống nhiều chỉ hơi cồn cào ruột và say say chút thôi. Không có mùi thơm như Bắc mộc hương, nhưng có tính trầm giáng hơn Bắc mộc hương. Khi tán, loại non mỏng vỏ dễ tán, loại già dày vỏ khó tán, nhưng giày hay hơn mỏng.

Hoàng nàn: ( Vỏ doãn ) ngâm nước gạo đặc một đêm, đổ ra rửa sạch, gọt hết lớp vỏ sần sùi ở ngoài. Lại ngâm nước gạo một đêm nữa, đỗ ra rửa sạch, gọt cho thật hết lớp vỏ vàng ở sát thịt bên trong, chớ để sót lại một chút gân vàng, vết vàng nào dù nhỏ cũng gọt hết đi. Cạo xong, ngâm giấm vài giờ. Đổ ra rửa sạch nhớt trong lòng vỏ, cắt nhỏ phơi khô sẽ dùng, chớ sao.

Lại những miếng vỏ có mấu, có khoen đề gọt bỏ đi đừng tiếc, chỉ lấy những miếng vỏ bằng thẳng mà thôi.

Vị đắng, tính ôn, chủ để thông khí, phá tích, sát trùng.

Hoàng nàn, có tên là Vỏ doãn rất độc, chế dối, không biết dùng sẽ chết người. Nên cẩn thận, nếu không quen chớ nên dùng. Người đời thường nói « Nhân ngôn, Vỏ doãn ». Vậy thì Vỏ doãn cũng độc như Nhân ngôn.

Ba đậu : ( hay Bã đậu, quả Mần để, quả Màn tẻ), sản sinh ở xứ Ba thục bên tầu gọi là Ba đậu. Nhưng nó là quả Màn tẻ ở xứ ta nó độc lắm, người ta chỉ dùng nó làm thuốc đánh bã chuột. Vậy gọi nó là Bã đậu cũng phải.

Quả nó như hình trái táo ta, mỗi quả có từ 3 đến 5 múi. Vỏ quả cứng, vỏ múi cũng cứng.

Bẻ ra từng múi, đập bỏ vỏ cứng. Mỗi múi có một hạt như hạt Thầu dầu. Vỏ hạt đen hoặc vàng, vỏ ấy cũng cứng như hạt Thầu dầu, đập bỏ lớp vỏ cứng này bóc lấy một nhân.

Mỗi nhân có một lớp màng mỏng ở ngoài, nhẹ tay bóc đi.

Mỗi nhân bửa ra có 2 mảnh, như 2 mảnh đậu lạc ( phọng ). Nhưng giữa 2 mảnh ấy ấp vào nhau có một miếng màng trắng mỏng mà nhỏ gọi là tim. Nhẹ tay lấy tim ấy bỏ đi, chỉ còn lại 2 mảnh nhân (trắng hay ngà ngà trắng) nhẵn sạch. Nếu nhân thối, nhân đen bỏ đi.

Để nguyên 2 mảnh nhân ( không phải đập nát bỏ đầu đi ) bỏ vào chảo, sao cháy đen khi nào không còn thấy xì ra chút khói nào nữa mới được.

Vị cay mà nóng hơn cả ớt, chủ để thông tiêu trong bụng, trong ruột rất mau.

( Khi gọt bửa vị này, dầu nó ra dình hai bàn tay, nhất là đầu ngón tay, rửa xà bông thật kỹ cũng không hết nóng ngay. Nếu sơ ý, dụi tay vào mắt, mũi, miệng gì đó cũng bị cay nóng lâu lắm, nhưng không sao, rồi nó sẽ hết ).